Vỡ oà khi các con hô to “bố về bố về”
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người tham gia đoàn "giải cứu" công dân Việt từ Guinea Xích đạo về nước hồi cuối tháng 7/2020 đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin về quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian gần đây cũng như lời khuyên dành cho mọi người trong công tác phòng, chống dịch.
PV: Chào bác sĩ Thân Mạnh Hùng, anh đã ở lại bệnh viện trực chiến đến nay là bao lâu?
Bác sĩ Hùng: Tôi ở viện hơn 3 tháng nay. Hiện đang trong thời gian cách ly tại bệnh viện để đủ điều kiện được trở về nhà thăm gia đình.
PV: Thời gian dịch bệnh kéo dài, chắc hẳn anh cũng trải qua thời gian chăm sóc bệnh nhân rồi tự cách ly sau đó mới được trở về gia đình của mình. Anh có thể chia sẻ đôi chút về tổ ấm nhỏ cũng như bữa cơm gia đình sau bao ngày xa cách?
Bác sĩ Hùng (xúc động): Không chỉ riêng tôi mà tất cả nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch khi trở về mái nhà thân yêu của mình đều có những cảm xúc không nói nên lời. Riêng với gia đình tôi, khi trở về nhà thì các con đón từ cửa, hô rất to “bố về bố về”, sà vào lòng mình, lúc này mọi nỗi nhớ như được vơi bớt đi.
Còn bữa cơm gia đình, có thể nói đối với đội ngũ nhân viên y tế là điều thiếu thốn từ rất lâu. Nên khi được ngồi ăn với nhau bữa cơm, cùng trò chuyện thì với tôi đó là điều hạnh phúc, ý nghĩa. Tôi cảm nhận được hơi ấm tình thân mà các thành viên dành cho nhau sau một thời gian dài xa cách.
PV: Thời gian này, anh cũng như các y bác sĩ khác ở viện nhiều hơn ở nhà, không biết bác sĩ đã chuẩn bị tâm lý cho bản thân cũng như gia đình như thế nào?
Bác sĩ Hùng: Đối với gia đình tôi, đây không phải lần đầu tiên tôi xa nhà mà ngay từ khi những ca Covid-19 đầu tiên xuất hiện, hay đi Guinea Xích đạo đón đoàn công dân về nước, đi tăng cường… thì tôi cũng đã xa gia đình. May mắn là người thân rất hiểu đặc thù công việc, luôn ủng hộ tôi. Còn tại bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện chia ca kíp trực để anh em đảm bảo sức khoẻ chiến đấu với dịch bệnh.
"Dịch qua rồi, tất cả sẽ lại được trở về bên gia đình thân yêu"
PV: Trong suốt thời gian ở bệnh viện, việc cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19 áp lực thế nào?
Bác sĩ Hùng: Có rất nhiều bệnh nhân chuyển về khoa Cấp cứu của chúng tôi, nên lưu lượng bệnh nhân luân chuyển cũng nhiều và đa dạng. Có những lúc tại khoa lên đến 40 bệnh nhân, khoảng hơn 10 ca thở máy, có những ca thở oxy liều thấp, oxy liều cao. Thậm chí, có cả những bệnh nhân không qua khỏi vì diễn biến bệnh nặng. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, chúng tôi không quản ngại thời gian, nỗ lực hết sức mình để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
PV: Làm việc cùng nhau, có câu chuyện nào của các đồng nghiệp xung quanh bác sĩ khiến bản thân anh xúc động nhất, nhiều tâm tư nhất?
Bác sĩ Hùng: Bản thân tôi hay các đồng nghiệp khác đều ở lại viện chiến đấu, tuy nhiên có những câu chuyện buồn của các đồng nghiệp khiến tôi rất xúc động.
Đó là câu chuyện của hai vợ chồng bác sĩ cùng tham gia chống dịch tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, hay tin mẹ mất nhưng không thể tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hay câu chuyện hai vợ chồng điều dưỡng làm cùng bệnh viện nhưng khác khoa, nhiều tháng nay họ không được gặp nhau, nhìn thấy nhưng không được nói chuyện trực tiếp, họ chỉ có thể vẫy tay chào nhau từ xa hay gọi video call cho nhau cũng khiến tôi nhớ mãi.
Có thể thấy, các đồng nghiệp của tôi họ đang ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân, nhưng họ cũng đã phải trải qua những sự hy sinh, mất mát không thể nào đong đếm được. Nhưng vượt qua tất cả, chúng tôi cùng động viên nhau cố gắng, dịch qua rồi thì tất cả sẽ lại được trở về bên gia đình thân yêu.
PV: Trong quá trình điều trị các bệnh nhân Covid-19, câu chuyện nào khiến bác sĩ nhớ nhất?
Bác sĩ Hùng: Trong làn sóng dịch thứ 4 này, câu chuyện của một gia đình mắc Covid-19 khiến tôi có nhiều cảm xúc nhất, có lẽ ngay cả với một người gần 15 năm làm việc trong môi trường cấp cứu, từng đối diện với bao nhiêu tình huống nguy kịch của người bệnh như tôi cũng không tránh khỏi sự ám ảnh…
Đó là chuyện của một người mẹ trẻ vô tình bị nhiễm bệnh ở nơi làm việc, sau khi trở về nhà tiếp xúc với mọi người rồi lây cho tất cả 9 người trong gia đình bao gồm: Chồng, bố mẹ chồng, 2 con, 1 cháu nội, giúp việc và lái xe của gia đình. Sau hơn 1 tháng điều trị, bố mẹ chồng bệnh nhân này đã không qua khỏi.
Còn chồng cô ấy cũng rơi vào hôn mê, thở máy với tổn thương 90% phổi hai bên. Sau 8 ngày thở máy không hiệu quả, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển sang can thiệp ECMO (kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể), một hệ thống máy phức tạp sẽ đảm nhiệm thay chức năng của phổi, trao đổi oxy và thải khí CO2 ra ngoài, mục đích để cho phổi nghỉ ngơi gần như hoàn toàn và chờ thời gian hồi phục.
80 ngày điều trị tích cực với 66 ngày thở máy, 37 ngày ECMO, 17 lần lọc máu, với đủ các loại kháng sinh, chống đông, truyền hơn 40 lít máu, có những thời điểm bệnh nhân tưởng không qua khỏi, có những lúc cái chết rất cận kề… Nhưng cuối cùng bệnh nhân, cùng với những nỗ lực phi thường của đội ngũ y bác sĩ, đã qua được cơn nguy kịch, giành lấy sự sống cho bản thân mình, dần ổn định và được xuất viện.
Còn người vợ trẻ thì may mắn hơn, tổn thương phổi không quá nhiều, sau 31 ngày điều trị tại bệnh viện, tình trạng ổn định ra viện nhưng cũng đã có những biểu hiện của rối loạn tâm thần cần sử dụng đến thuốc chuyên khoa. 5/9 người còn lại ở thể nhẹ, cũng ổn định ra viện sau 1-2 tuần điều trị.
PV: Với những kinh nghiệm của mình, anh muốn nhắn gửi đến mọi người nói chung và những bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi xuất viện là gì?
Bác sĩ Hùng: Từ câu chuyện kể trên, ngoài sự tàn khốc của đại dịch, tôi muốn cảnh báo thêm những người trẻ, khoẻ mạnh không nên chủ quan. Họ có thể bị nhẹ nhưng những người thân trong gia đình mình sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những người cao tuổi thì có nguy cơ cao.
Còn đối với bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị ở viện ổn định, khỏi bệnh ra viện thì vẫn nên tuân thủ tốt nguyên tắc của bộ Y tế về 5K. Ngoài ra, là những người từng trải qua thời gian chiến đấu với bệnh tật, nhất là bệnh nhân nặng từng phải giành giật giữa sự sống và cái chết có thể là một tuyên truyền viên, làm sao cho cộng đồng, xã hội biết và nâng cao cảnh giác, phòng chống dịch bệnh để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Với tôi hay bất cứ y bác sĩ điều trị nào cũng vậy cũng đều mong hàng ngày không có bệnh nhân nào nhập viện, cấp cứu vì nhiễm Covid-19, cứ mỗi một bệnh nhân khoẻ mạnh và được xuất viện thì đó là món quà lớn nhất.
PV: Xin cảm ơn chia sẻ của bác sĩ!
Hoàng Thị Bích - Người Đưa Tin Pháp Luật