Những “chặng đường cuối” giữa đêm khuya
1h sáng ngày 18/8, những thành viên của “Chuyến xe nghĩa tình” mới kết thúc ngày làm việc. Đêm đó, trời đổ mưa tầm tã, những đôi chân thoăn thoắt vẫn kiên trì bước, “xé màn mưa” để tiễn đưa người xấu số qua đời vì Covid-19 đi nốt “chặng đường cuối cùng”.
Họ là nhóm thiện nguyện Giang Kim Cúc và các cộng sự, luôn sẵn sàng dành trọn vẹn quỹ thời gian của bản thân để san sẻ với nỗi đau của các gia đình. Trong số ấy, có những “bóng hồng” mảnh mai nhưng tràn đầy nhiệt huyết, kiên cường giữa “trận địa” Covid-19 bủa vây. Có nữ sinh tuổi chỉ vừa tròn 18, cũng không chút e dè, chủ động tham gia vào “tuyến cuối chống dịch”.
Đưa tay gạt vội những giọt mồ hôi vẫn còn ướt đẫm trên gương mặt, sau khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, Nguyễn Thị Hà Nhi (26 tuổi) khẽ nén một hơi thở dài: “Thế là đêm nay lại có thêm một người ra đi vì Covid-19 được yên nghỉ... Lại có thêm một người trở thành ký ức trong tim của người thân...”.
Trong đáy mắt cô như vẫn hiện lên hình ảnh của đêm nay: Chiếc xe cấp cứu chạy thẳng đến con hẻm nhà bệnh nhân xấu số ở quận 8. Hà Nhi xịt khử khuẩn cho đồng đội trước khi vào nhà làm các thủ tục khâm liệm. Thi thể bệnh nhân được đưa vào áo quan, lên xe, đến thẳng trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Dưới cơn mưa, trong bộ đồ bảo hộ, toàn thân cô ướt sũng mồ hôi lẫn nước mưa, đôi ủng dưới chân cũng đầy nước, những vẫn kiên cường bước về phía trước.
Hà Nhi là thành viên nữ xông pha nhất của đội mai táng 0 đồng. Nửa tháng nay, đội đã giúp đỡ mai táng miễn phí cho hàng trăm gia đình hoàn cảnh khó khăn, có bệnh nhân xấu số qua đời vì Covid-19. Những ca vào đêm tối thường có nhiều cảm xúc hơn.
Sinh ra ở Bình Phước nhưng lên TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, Hà Nhi “không thể ngồi yên” khi thấy thành phố nơi mình sống đang trải qua những ngày khó khăn. Đó là lý do khiến cô tình nguyện trở thành tài xế chở F0, F1 đi cách ly, cấp cứu miễn phí.
Đến đầu tháng 8, cô gái trẻ xông pha với nhiệm vụ mới trong nhóm mai táng 0 đồng, để đưa những bệnh nhân xấu số không vượt qua nổi đại dịch Covid-19 về đoàn tụ với gia đình. Nhóm gồm gần 30 thành viên, được chia thành 2 đội, hoạt động luân phiên, hỗ trợ miễn phí từ khâu khâm liệm tới lúc mang tro cốt về cho gia đình, hay gửi lên chùa.
Không chỉ là tài xế lái những chuyến xe nghĩa tình, Hà Nhi còn trực tiếp phu khử khuẩn và cùng cả đội đưa thi thể người mất vào áo quan, lên xe, đi hỏa táng.
Những chuyến xe cứ đều đặn lăn bánh mỗi ngày, hiếm khi Hà Nhi và đồng đội được nghỉ ngơi trước 1h sáng.
Nữ tài xế nở một nụ cười như muốn xua tan nỗi mệt mỏi trên gương mặt: “Nhiều người cũng hỏi tôi tiếp xúc với thi thể F0 mỗi ngày, có lo sợ điều gì không? Nhưng tôi chỉ biết, nỗi sợ lớn nhất của mình là chứng kiến tình cảnh khó khăn của người đã khuất, mà phải giương mắt đứng nhìn, không giúp được gì... Khi giúp đỡ trường hợp nào, trong lòng xem họ như người thân của mình, thì sẽ không có gì đáng sợ cả. Vậy nên, chỉ cần còn sức khỏe, thì tôi sẽ tiếp tục những chuyến xe”.
Có những lúc yếu lòng hoặc vì quá nhớ nhà, cô gái Bình Phước muốn bỏ về quê nghỉ ngơi. Song, chỉ cần nghĩ đến những gia đình có 3 mẹ con mà tới 2 người mất, hay nhớ đến tiếng khóc xé lòng của một em bé gọi với theo khi nhóm đưa thi thể mẹ em ra khỏi nhà, cô quyết định ở lại cùng đồng đội chiến đấu đến cùng với dịch bệnh.
Khóc theo thân nhân của người xấu số
Cùng đội với Hà Nhi, có cô nữ sinh Phạm Ngọc Minh Châu (21 tuổi) cũng luôn năng nổ trong những hoạt động thiện nguyện, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Cô sinh viên quê Đồng Nai này đã gắn bó với những dự án cộng đồng từ trước đó khá lâu, và trong 4 tháng trở lại đây thì tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến và tham gia “Chuyến xe nghĩa tình”.
Là sinh viên năm 3 của khoa Báo chí - Truyền thông, trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Minh Châu phụ trách chính trong khâu tác nghiệp, ghi lại hình ảnh và truyền thông của cả nhóm. Mỗi ngày, Minh Châu nhận cả hàng trăm cuộc điện thoại: “Hotline thì luôn sẵn sàng 24/24. Tuy nhiên, trong khoảng 3 ngày trở lại đây, cuộc gọi nhiều hơn trước đó, dồn dập và khẩn trương. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực, để có thể hỗ trợ được nhiều gia đình nhất, trong thời gian sớm nhất”.
Tự nhận mình là một người có cá tính mạnh mẽ, nhưng có những cuộc gọi khiến cô nàng chợt trở nên thật mong manh: “Có những cuộc gọi về đêm, thân nhân của người đã khuất khóc rất nhiều, có người nghẹn ngào đến mức không thể nói được thành lời. Biết họ đang bị xúc động, không nói ra được, tôi chỉ biết trấn an để họ bình tĩnh lại, chúng tôi mới biết họ cần giúp đỡ những gì để thực hiện. Có cuộc gọi vào buổi tối muộn, giọng lạc cả đi, nói người thân mất đã 2-3 ngày, nhưng liên hệ mấy nơi đều chưa được hỗ trợ, vì chỗ nào cũng “quá tải”… Có rất nhiều cuộc gọi khiến tôi nghe xong, gác máy xuống, cũng ngồi khóc theo”.
Là một nữ sinh, khó tránh khỏi cũng có lúc dè dặt khi tiếp xúc với thi thể. Minh Châu không ngần ngại giãi bày: “Ban đầu, tôi cũng có chút lo sợ, lúc vừa nhìn thấy, cũng bủn rủn… Nhưng ngay lập tức, phải tự trấn an bản thân: Mình phải thực sự bình tĩnh, họ đâng rất cần mình. Nếu ai cũng e ngại, thì họ sẽ phải ra đi trong sự lạnh lẽo, cô đơn, người thân của họ cũng càng đau lòng, day dứt… Tôi tự nhủ, mình phải mạnh dạn. Và các anh chị trong nhóm cũng rất nhiệt tình chỉ bảo, nên tôi cũng đỡ lo lắng hơn”.
Cô sinh viên cho biết, bên cạnh việc chụp ảnh truyền thông, cô còn muốn giúp người thân của những bệnh nhân xấu số lưu giữ lại những khoảng khắc cuối cùng, để gia đình giữ lại làm kỷ niệm. Bởi vậy, chuyến xe nào, Minh Châu cũng muốn xông pha. Đôi khi, cô cũng tham gia phun khử khuẩn và cùng đồng đội thực hiện những khâu quan trọng khác.
Minh Châu cũng không nhớ chính xác số bệnh nhân qua đời vì Covid-19 được tiễn đưa bởi đồng đội của cô.
Tuy nhiên, trong ký ức về những ngày đầu tiên, Minh Châu vẫn còn lưu lại ấn tượng về một hoàn cảnh hết sức thương tâm: “Hôm ấy, cả đội xuống xe, phải đi bộ khoảng 2km mới đến nhà bệnh nhân, nằm sâu trong ngõ nhỏ, xe không vào được đến nơi. Khi còn chưa rõ mặt, chúng tôi đã nghe tiếng khóc nức nở của một người phụ nữ trạc ngoài 20 tuổi: Mẹ ơi... Chồng con vừa mất, giờ mẹ cũng bỏ con đi... Con của con còn nhỏ, con biết nương tựa vào đâu?... Nhìn gian nhà trọ chật hẹp, tôi cũng đoán được phần nào hoàn cảnh khó khăn của gia đình này, chồng chị ấy cũng vừa mất vì Covid-19 chưa được bao lâu thì đến mẹ ra đi. Chị ấy vừa mới sinh con chỉ được khoảng 3 tháng... Đến tận lúc chúng tôi đưa thi thể lên xe, chị ấy vẫn một mực chạy theo, đòi ôm thi thể mà khóc... Trông thấy cảnh ấy, chúng tôi cũng không kìm được nước mắt. Chuyến xe hôm ấy đong đầy những giọt lệ tuôn rơi vì xúc động của chính những người đưa tiễn”.
Mặc dù tham gia những chuyến xe nghĩa tình, các thành viên thường xuyên phải ăn cơm tối lúc 11h-12h đêm, song, trong lòng ai cũng tràn đầy nhiệt huyết. Minh Châu cho biết: “Hồi đầu mới tham gia, tôi phải giấu gia đình, lúc bố mẹ biết cũng phản đối vì lo lắng cho sức khỏe... Sau đó, khi đã thấu hiểu được phần nào, bố mẹ cũng động viên để tôi có thể góp thêm một phần sức, giúp ích cho xã hội”.
“Những ngày gần đây, khi số ca mắc vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày, tôi đã bắt đầu không dám đọc báo nữa... Tôi chỉ tự nhủ, mình phải cố gắng nhiều hơn mỗi ngày, mong rằng, những người bệnh xấu số và cả người thân của họ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn. Tôi tự hào vì là một người con Việt Nam, mang trong mình dòng máu đỏ, nên không thể ngồi yên khi đất nước cần”, đôi mắt của Minh Châu bỗng long lanh hơn, cô cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân: “Bồ công anh sẽ bay khi có gió. Em chỉ cười khi đất nước bình yên!”.
“Sài Gòn và đất nước đã nuôi ta khôn lớn, đây là lúc trả nợ”
Gặp gỡ chị Giang Thị Kim Cúc (33 tuổi, Trưởng nhóm thiện nguyện), sau một ngày làm việc bận rộn, nhìn những giọt mồ hôi còn vương trên gương mặt tròn đầy toát lên vẻ phúc hậu, ai cũng có thể hình dung được phần nào nỗi vất vả trong công việc của chị và cộng sự.
Chia sẻ về cơ duyên đến với hoạt động ý nghĩa này, chị cho biết, khi TP.Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn dịch căng thẳng, nhiều người ra đi vì Covid-19 nhưng lại không có người thân bên cạnh tiễn biệt, chị đã chợt nghĩ rằng, tại sao mình không thay mặt cho gia đình các nạn nhân để đưa tiễn họ đoạn đường còn lại. Từ suy nghĩ ấy, dự án mai táng 0 đồng được thành lập và đi vào hoạt động với cái tên “Chuyến xe nghĩa tình”. Trong nhóm có 9 thành viên nữ..
“Mỗi ngày nhóm bắt đầu công việc vào lúc 7h sáng và kết thúc khi đã về khuya. Tôi và các cộng sự lúc nào cũng kín mít trong bộ đồ bảo hộ nóng bức như vậy nhưng mọi người đều ý thức rất cao vì công việc tiếp xúc 100% với các F0 nên nguy cơ nhiễm bệnh cũng rất lớn. Kể từ khi bắt đầu công việc, mỗi ngày, nhóm nhận rất nhiều cuộc gọi từ thân nhân của người mắc Covid-19 xin hỗ trợ mai táng người nhà. Đây cũng là cách để chúng tôi san sẻ một phần nỗi đau giúp họ trong bối cảnh này”, chị Cúc tâm sự.
Nhắc đến những chuyến xe đã hoàn thành, giọng người phụ nữ ấy như muốn nghẹn lại: “Cảm xúc thật sự rất nhiều. Có những hoàn cảnh thương tâm khiến chị em phải khóc theo. Có những gia đình chưa kịp nói lời xin lỗi với người thân thì họ đã mất vì Covid-19. Có những người đi làm xa quê, mất ở TP.Hồ Chí Minh vì Covid-19 nhưng người nhà không thể mai táng được, nên họ đã gọi điện, khóc rất nhiều và mong chúng tôi có thể thay họ lo hậu sự... Chứng kiến và lắng nghe những hoàn cảnh ấy, chúng tôi đau đớn vô cùng.
Tôi nhớ nhất là một trường hợp: Con giận mẹ, bị cách ly tại Bình Dương, mẹ thì mất ở Sài Gòn, nên không thể mai táng được, phải cầu cứu nhóm hỗ trợ. Mà xót xa nhất là cảnh, khi người con gọi facetime, có nói rằng: "Chị ơi, chị làm ơn kéo bao tử thi xuống cho em nhìn mẹ em lần cuối. Và chị giúp em, nói xin lỗi với mẹ, vì hôm trước em giận mẹ mà bỏ đi, bây giờ em không được về gặp mẹ lần nữa”. Đó là một trong những hình ảnh rất thương tâm khiến cả nhóm xúc động”.
Theo chị Cúc, trong những ngày này, các thành viên trong nhóm đã xa nhà nhiều tháng không được về nhà với gia đình, nên coi nhau như ruột thịt, chia sẻ với nhau từng câu chuyện, từng cảm xúc và từng lời động viên.
Mỗi ngày, những “bông hồng thép” giữa “trận địa” gian nan vẫn liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại và thông tin người cần hỗ trợ. Biết không thể giúp được tất cả nhưng cả nhóm vẫn xin thông tin người mất để tháng 7 Âm lịch này, sẽ tổ chức cầu siêu cho những người ra đi vĩnh viễn trọng đợt dịch bệnh.
Chia sẻ về cô con gái nhỏ đang ở nhà, chị Cúc cũng rất áy náy: “Để lại con gái ở nhà và lao ra đường, bất chấp nguy hiểm dịch bệnh, tôi cũng lo lắng, nhưng nếu không giúp mọi người lúc này thì giúp lúc nào? Gòn và đất nước đã nuôi ta khôn lớn đây là lúc trả nợ”.
Không riêng các “bóng hồng”, mà cả nhóm đều mong: “Một ngày sớm thôi, chúng ta sẽ không còn phải nhận cuộc gọi bằng câu chào: “Dịch vụ mai táng 0 đồng xin nghe” đầy đau thương thế này nữa”.
Hiện tại, “Chuyến xe nghĩa tình” vẫn cần thêm rất nhiều tình nguyện viên đã tiêm vắc-xin và có giấy xét nghiệm âm tính chung tay giúp sức, do trường hợp cần giúp đỡ vẫn đang rất nhiều.
Ngày đêm len lỏi trong các con hẻm nhỏ, thân hình mảnh mai của các cô gái vẫn đang phải khiêng bình xịt khuẩn 20 lít và tham gia vào rất nhiều khâu giúp người xấu số an nghỉ. Họ chỉ mong ngày sớm nhất sẽ không phải khoác lên người bộ đồ bảo hộ nóng nực, không phải nghe tiếng còi cấp cứu giục giã trên đường, không còn phải bước vào những ngôi nhà có người mất nhưng lạnh lẽo đơn độc không bóng người tiễn đưa. Tất cả các thành viên trong nhóm hy vọng mọi người cùng nâng cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng để điều ước đó sớm được hiện thực hóa.
Xem thêm: Những hình ảnh của nhóm được những bàn tay tài hoa phác họa lại một cách dễ thương:
(Ảnh: NVCC).