Tiếp diễn tình trạng thiếu giáo viên năm học 2022-2023, hơn 9.200 giáo viên nghỉ việc
Công Dân & Khuyến học dẫn nguồn báo cáo đánh giá khái quát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2022-2023, thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022).
Trong đó, giáo viên công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%; cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%.
Tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; đồng thời thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành Giáo dục. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.
Thời gian qua, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người).
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).
Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022-2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên).
Cấp trung học phổ thông tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Đặc biệt, năm học 2022-2023 toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).
Bất cẩn cần cẩu va vào đường dây điện, 2 người bị điện giật thương vong
Theo Người Lao Động chiều 22/7, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động thương tâm do điều khiển cần cẩu bất cẩn khiến 2 người thương vong.
Thông tin ban đầu khoảng 10h cùng ngày, xe tải cẩu biển kiểm soát 50H-117.06 đang được điều khiển để cẩu thùng container trước nhà dân ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, ngay dưới đường dây điện trung thế 22kV.
Trong quá trình điều khiển cần cẩu, do bất cẩn không quan sát, người điều khiển xe cẩu đã để cần cẩu vướng vào đường dây điện trung thế. Hậu quả làm phóng điện gây giật 2 người là lái xe và phụ xe.
Trong đó, một người tử vong tại chỗ trong tình trạng cháy đen; người còn lại được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, bị bỏng rất nặng trên 80%.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị điện lực địa phương đã cắt điện tại khu vực này. Lực lượng công an xã tiến hành bảo vệ hiện trường, không cho người dân đến gần để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Hi hữu đỉa làm tổ trong mũi người đàn ông suốt 2 tuần
Theo Pháp luật Việt Nam, mới đây Bệnh viện Đa khoa Quang Bình (Cao Bằng) mới gắp một con đỉa dài khoảng 5cm sống suốt 2 tuần trong khe cuốn mũi của người đàn ông.
Cụ thể, bệnh nhân là ông H.V.A (61 tuổi, trú tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình) bị ngạt mũi, chảy máu mũi cách đây 2 tuần mà không tìm được nguyên nhân, dùng các loại thuốc không đỡ nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Quang Bình thăm khám.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quang Bình, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có "dị vật sống" trong khe cuốn mũi. Đỉa sống lâu ngày trong khe cuốn mũi nên càng ngày càng to lên, hút máu khiến cho thành cuốn mũi của bệnh nhân bị viêm loét, gây chảy máu mũi. Xác định nếu để lâu, dị vật có thể chui vào sâu hơn, gây viêm phổi, khiến bệnh nhân biến chứng hoại tử, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ tiến hành gắp "dị vật sống" cho bệnh nhân ngay bằng phương pháp sử dụng nội soi mũi. Kết quả, các bác sĩ đã gắp ra con đỉa còn sống dài khoảng 5cm, to bằng đầu đũa.
Được biết, đây là trường hợp bệnh nhân có "dị vật sống" nằm ở vị trí khá phức tạp được gắp thành công, nhanh chóng tại bệnh viện.
Trước đó, ngày 26/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng gắp thành công 1 con đỉa sống, đang bám chặt vào thanh, khí quản người đàn ông 39 tuổi. Con đỉa dài 4 cm, to bằng ngón tay.
Gia đình cho biết bệnh nhân xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, nôn, không ăn được từ hồi tháng 4, đã tự dùng thuốc nhưng không đỡ. Các bác sĩ chẩn đoán con đỉa sống hai tháng trong cơ thể người bệnh, di chuyển lên trên thanh quản hoặc xuống dưới khí phế quản, gây các triệu chứng ho theo cơn, khàn tiếng, khạc nhổ ra máu, khó thở.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối. Khi có các biểu hiện khó chịu nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra.
Trúc Chi (t/h)