Bản tin 30/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa

Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Uống trà sữa tự làm trên lớp, 5 học sinh bị đau bụng, nôn phải đi bệnh viện gấp...

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở báo cáo tình hình triển khai hoạt động ngoài giờ chính khóa

Xã hội - Bản tin 30/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa

Ảnh minh họa.

Theo Giáo Dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản số 5333/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở GD&ĐT về việc rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Theo đó, thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục kĩ năng sống; liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường… theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (cơ sở giáo dục).

Bộ GD&ĐT nhận định, kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học.

Tuy nhiên, công tác quản lí hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả quản lí, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Bên cạnh đó, báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương với các nội dung: công tác chỉ đạo của Sở GD&ĐT; công tác triển khai tại các cơ sở giáo dục; đánh giá thuận lợi, khó khăn; đề xuất, kiến nghị và tổng hợp số liệu. Báo cáo của các đơn vị gửi về Bộ GD&ĐT qua Vụ Giáo dục Trung học (Email: vugdtrh@moet.gov.vn) trước ngày 15/10/2023.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở GD&ĐT báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để kịp thời giải quyết.

Chân bất ngờ teo lại sau vài tháng đau lưng

Xã hội - Bản tin 30/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa mới phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u tủy sống kích thước lớn, giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ liệt vận động.

Cụ thể, bà C.T.T.P, 54 tuổi, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Gần đây, cơn đau xuất hiện nhiều hơn, dữ dội hơn ở vùng lưng khiến bệnh nhân không thể nằm, ngồi được, chỉ còn cách là đi lại cả ngày lẫn đêm thì mới đỡ đau, đi tiểu khó khăn nên bệnh nhân đã đến bệnh viện khám và nhập viện điều trị.

Đến viện bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u tủy sống D12, L1 kích thước 0.8x2cm chèn ép lên ống tủy gây hẹp ống sống. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy khối u, giải phóng chèn ép lên ống tủy.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 6 giờ, các bác sĩ đã lấy toàn bộ khối u, bảo vệ an toàn cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh. Ngày thứ 5 sau mổ, hai chân người bệnh bớt tê bì, cơ lực cải thiện rõ rệt, đại tiểu tiện cũng thuận lợi hơn.

Bác sĩ Trần Kim Hà - Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh lồng ngực của bệnh viện cho biết, do vùng cột sống có cấu trúc giải phẫu phức tạp, khối u chèn ép, dính vào các dây thần kinh nên quá trình phẫu thuật cần thật cẩn thận để bóc tách, bộc lộ khối u, hạn chế tổn thương tủy. Để bảo vệ an toàn cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh bệnh nhân đã được cố định cột sống bằng nẹp vít.

U tủy là những khối u nằm trong ống sống chèn ép vào trong ống sống. U tủy sống có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của ống sống (tủy sống, rễ thần kinh, cột sống cổ, cột sống thắt lưng, cột sống ngực…). U tủy cổ chiếm tỉ lệ thấp (< 25%), thường gặp u nội tủy. U tủy ngực chiếm tỉ lệ cao nhất (> 60%). U tủy cổ và u tủy ngực thường để lại những biến chứng nặng nề.

U tủy sống có triệu chứng khởi phát khá kín đáo và tiến triển chậm với những biểu hiện triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh thoái hóa thường gặp như đau mỏi cổ, cánh tay, tê bì chân tay… Khi khối u phát triển đủ lớn gây rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn cơ tròn (gây tiểu khó, táo bón), co cứng cơ, teo cơ, liệt tứ chi, rối loạn hô hấp… do khối u phát triển chèn ép lên ống sống.

"Ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế có trang thiết bị chẩn đoán hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa để khám, phát hiện sớm bệnh, phẫu thuật kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống", bác sĩ Hà khuyến cáo.

Uống trà sữa tự làm trên lớp, 5 học sinh bị đau bụng, nôn phải đi bệnh viện gấp

Xã hội - Bản tin 30/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (Hình 3).

Đoàn kiểm tra lập biên bản và xử lý vi phạm của hộ kinh doanh bán nguyên liệu làm trà sữa cho học sinh. Ảnh: Báo Lào Cai.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ngày 29/9, bà Dương Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Pom Hán, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai  thông tin vụ việc xảy ra tại lớp 8A2 của trường.

Cụ thể vào sáng 25/9, Trường THCS Pom Hán tổ chức tiết học môn hóa học có nội dung cho học sinh trải nghiệm làm trà sữa.

Buổi trải nghiệm gồm cô giáo và 38 học sinh lớp 8A2. Học sinh được thực hành ngay tại lớp. Sau khi hoàn thành, cô giáo bộ môn uống trà sữa và chấm điểm. Sau đó học sinh cũng uống. Tuy nhiên chỉ hơn một giờ đồng hồ sau, lần lượt 5 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đau đầu, đi ngoài phân lỏng.

Ngay sau đó, các em được đưa xuống phòng y tế của nhà trường kiểm tra, sau đó đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại bệnh viện, các em được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thực phẩm. Chiều cùng ngày, cả 5 em được ra viện và hôm sau đi học bình thường.

Về tiết học làm trà sữa, bà Hương cho hay đây là chương trình học được nhà trường thông qua, với mong muốn các em học sinh được trải nghiệm, đồng thời định hướng nghề nghiệp.

Trước khi tổ chức buổi học, cô giáo bộ môn hướng dẫn học sinh chuẩn bị nguyên liệu, thông tin cụ thể địa chỉ mua các nguyên liệu đảm bảo.

"Tuy nhiên ngày diễn ra tiết học, cửa hàng này đóng cửa nên các em đã mua nguyên liệu tại cửa hàng khác. Nhà trường sẽ tăng cường tuyên truyền, quản lý các tiết học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh", bà Hương nói.

Nhà trường đã phối hợp Trung tâm Y tế thành phố để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nhà trường không còn mẫu lưu và nguyên liệu dùng để pha trà sữa, nên hiện chưa xác định rõ nguyên nhân. Bởi vậy, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp kiểm tra và lấy 6 mẫu nguyên liệu thực phẩm mà hộ kinh doanh đã bán cho học sinh để gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia xét nghiệm, hiện đang đợi kết quả.

Cơ sở kinh doanh cũng vi phạm một số quy định như không niêm yết giá và nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm với hộ kinh doanh trên.

Trúc Chi (t/h)