Hai trở ngại tạo nên “lực cản”
Vừa qua, theo thông tin từ bộ GD&ĐT, điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình ở các vùng, miền có sự khác nhau dẫn đến kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều.
Trước vấn đề trên, ThS Phan Thế Hoài (giáo viên Ngữ văn tạ TP.Hồ Chí Minh) chỉ ra: “Theo tôi, có hai trở ngại lớn nhất tạo nên “lực cản” trong việc học online tại Việt Nam hiện nay, đó là tư duy quản lý của lãnh đạo và học sinh thiếu không gian học tập cũng như phương pháp học tập.
Thứ nhất, việc học online đã được tiến hành ở Việt Nam từ hai năm qua, thế nhưng, nhiều lãnh đạo vẫn chưa cho giáo viên được tự chủ trong việc sử dụng phần mềm dạy học. Tôi lấy ví dụ, có trường yêu cầu dạy qua phần phần mềm Zoom Cloud Meetings trong khi phần mềm này không tốt bằng Google Meet.
Cùng với đó, nhiều trường sắp xếp thời khóa biểu rất phản khoa học, chẳng hạn một buổi học từ 4-5 tiết, tiết học kéo dài đến 45 phút. Một số học sinh cho biết, việc học online kéo dài như thế khiến các em phải sạc điện thoại liên tục gây nóng ran, rồi nhìn vào màn hình điện thoại rất nhức mắt (rất ít học sinh có máy vi tính). Ngoài ra, nhiều lãnh đạo còn dự giờ online khiến cả thầy và trò đều bị áp lực tâm lý, rất căng thẳng.
Thứ hai, rất nhiều học sinh không có không gian học tập riêng. Trong tiết dạy online, tôi thường xuyên tương tác với các em thì vẫn nghe tiếng chó sủa, âm thanh tiếng xe chạy, tiếng nhà hàng xóm hát karaoke... Trong khi đó, với giờ học trực tiếp, học sinh chỉ ở trong không gian lớp học, rất yên tĩnh.
Bên cạnh đó, phương pháp học tập của học sinh có lực học trung bình, yếu còn chưa đảm bảo, các em rất thụ động. Nghĩa là, thầy giảng trò nghe, rồi ghi chép, khi thầy đặt câu hỏi tương tác thì nhiều em là trả lời sơ sài hoặc không biết nói gì. Những học sinh này, mức độ tiếp thu bài tầm 30-40%, so với học sinh khá giỏi là trên 70%”.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT) bổ sung: “Ngay trong một nhà trường, với các giáo viên khác nhau cũng đã mang đến những giờ học với phương pháp khác nhau, dẫn đến hiệu quả dạy học cũng khác nhau. Chưa kể, có những thầy cô giáo còn chưa thực sự sẵn sàng thích ứng, nhiều người chưa “bắt kịp” với phương pháp phù hợp với dạy trực tuyến, có người giữ nguyên cách giảng đọc - chép khiến giờ học trở nên nhàm chán… Và ở đây, quan trọng nhất là phương pháp, làm sao để học sinh hứng thú thì mới tập trung và tiếp thu được nhiều.
Và bất cập chất lượng không đồng đều cũng phải nhìn nhận từ phía gia đình, chưa cần bàn đến chuyện học sinh không đủ trang thiết bị, mà ngay với những gia đình có máy tính bảng, điện thoại thông minh cho con học, cũng chưa đảm bảo không gian. Nhiều lúc, trong giờ học, vẫn nghe tiếng phụ huynh quát mắng ở bên cạnh, thậm chí, có phụ huynh còn “sai vặt”, bắt con bỏ dở giờ học đi mua đồ… Vậy nên, những học sinh đó rất khó tập trung. Cần phải có biện pháp can thiệp để đảm bảo không gian, thời gian cho con trẻ học tập”.
“Đừng đổ lỗi cho học online!”
Đề cập đến một số giải pháp nhằm “rút ngắn khoảng cách” cho học sinh, ThS Phan Thế Hoài cho biết: “Muốn rút ngắn khoảng cách giữa các học sinh một cách hiệu quả, theo tôi, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, không được “trực tuyến hóa” trực tiếp. Kéo theo đó, học sinh cũng phải thay đổi phương pháp học tập so với truyền thống - nghĩa là, học sinh phải chủ động, còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn.
Tôi gợi ý phương pháp học online như sau: Học sinh cần được giao nhiệm vụ tự thực hiện bằng cách nghe giảng qua video bài giảng; đọc sách giáo khoa, trả lời câu hỏi,… trước khi kết nối vào lớp học trực tuyến theo thời gian thực; nộp kết quả học tập theo yêu cầu của giáo viên. Hoc sinh được chủ động về việc chọn thời điểm thực hiện”.
Thời gian qua, vẫn có một số sự cố trong dạy và học online, từ giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên,... có những sự cố nhạy cảm, thậm chí có những sự cố nguy hiểm đến tính mạng.
Trao đổi về vấn đề này, ThS Phan Thế Hoài cho rằng: “Do yếu tố chủ quan hoặc khách quan cho nên việc học online có thể xảy ra những sự cố, thậm chí là sự cố nghiêm trọng như học sinh tử vong. Về phía giáo viên, tôi cho rằng, cho dù dạy trực tiếp hay online thì thầy cô vẫn phải sử dụng phương pháp sư phạm uyển chuyển, linh hoạt, có lý có tình.
Về phía học sinh, sinh viên, các em cần tôn trọng nội quy học tập online, nhất là văn hóa học online. Nếu thực hiện tốt được hai nội dung này thì tôi tin rằng sẽ hạn chế ớ mức thấp nhất những sự cố xảy ra khi dạy học online.
Nhưng trên hết, cả giáo viên và học sinh, sinh viên phải biết cảm thông, tôn trọng và chia sẻ lẫn nhau vì dạy học online còn đó những khó khăn, bất cập chưa thể khắc phục được.
Riêng những sự cố nghiêm trọng như học sinh tử vong về sự cố điện, điện thoại phát nổ, có lẽ cha mẹ, thầy cô, kể cả ngành giáo dục chưa có những dự báo sớm. Bộ GD&ĐT cho biết các đơn vị chức năng đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn”.
Chia sẻ với PV Phụ nữ và Pháp luật, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên lại có cách nhìn nhận khác: “Mặc dù những sự cố vừa qua có thể xảy ra trong các giờ học online, nhưng theo tôi, đó không chỉ là hạn chế, mà ngược lại, còn có thể là một ưu điểm.
Tôi nói như vậy là vì sao? Bởi lẽ, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho học online. Những sự cố ấy vốn dĩ vẫn có thể xảy ra nếu học sinh, sinh viên học trực tiếp trên lớp. Chẳng hạn, khi thầy cô có cách hành xử không đúng trong lớp, là do bản thân thầy cô kém kỹ năng kiềm chế cảm xúc, cho dù có học tại trường, thì cũng vẫn có thể cư xử như vậy, đó vấn đề là xuất phát từ nhân sinh quan của thầy cô. Nếu thầy cô làm đúng thì dạy trực tiếp hay trực tuyến cũng vẫn như vậy, đâu có phải “khoác lên bộ mặt khác”, trở thành con người khác chỉ vì dạy trực tuyến?
Vì vậy, những sự cố này lại giống như “cơ hội” để “lộ ra” những thiếu sót, như một sự nhắc nhở đến thầy cô giáo, cần chuẩn mực hơn trong cách cư xử, nên chăng, cần có một bộ quy tắc ứng xử mới cho tình huống này”.
Giảm cuộc thi, bỏ dự giờ, thao giảng
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, cho dù không còn Covid-19, thì ngành giáo dục cũng cần sẵn sàng tinh thần học online. Bởi lẽ: “Chuyện chờ hết sạch Covid-19 mới đi học là không thể, chưa kể, cho dù có hết Covid-19, thì nếu xuất hiện một dịch bệnh nào mới, hay tình huống khẩn cấp nào khác, chúng ta cũng nên sẵn sàng để duy trì và nang cao hiệu quả học online cho học sinh. Điều đó là cần thiết. Và cả xã hội đều cần phải chung tay, giáo dục không phải câu chuyện của riêng ai, ai cũng cần có trách nhiệm”.
Trong bối cảnh một số địa phương cho học sinh đi học tập trung tại trường, lại phải quay trở lại học trực tuyến vì chẳng may có ca F0, ThS Phan Thế Hoài bày tỏ: “Tôi cho rằng, cho dù học sinh có trở lại trường sớm để học trực tiếp thì việc dạy học online vẫn phải duy trì vì chuyện “zero F0” trong cộng đồng là không tưởng. Còn chuyện đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhất thiết bộ GD&ĐT phải nhờ sự tham mưu của các cơ quan y tế.
Nhằm đảm bảo chất lượng dạy học, phía bộ GD&ĐT cũng đã ban hành công văn về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022. Theo đó, các nhà trường chỉ cần tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình; đối với những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế - theo tôi, quy định này là đã rõ ràng, đầy đủ”.
“Nếu có thể, tôi xin tôi sẽ nhắn nhủ đến bộ GD&ĐT một số nội dung sau: 1) Bộ hãy chỉ đạo các trường hãy để cho giáo viên được tự chủ trong việc lựa chọn phần mềm, lựa chọn phương pháp dạy học online; 2) Lãnh đạo hãy bớt giám sát việc dạy học online, bỏ dự giờ, thao giảng online chỉ làm cho thầy trò thêm căng thẳng; 3) Giảm tối đa các cuộc thi chưa thực sự cần thiết cho thầy và trò ở thời điểm này”, ThS Phan Thế Hoài cho biết.