Bé gái 3 lần bị đột quỵ, bác sĩ cảnh báo các dấu hiệu trẻ than đau, cha mẹ chớ lơ là

Đột quỵ (còn được biết với tên gọi tai biến mạch máu não) là vấn đề sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh này không chỉ xảy ra với người lớn mà còn gặp ở trẻ em.

Dù phải vay mượn suốt đời mẹ cũng phải chữa khỏi bệnh cho con

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang đã chia sẻ trường hợp một bé gái tên Trần Vân Dương 3 lần bị tai biến mạch máu não lên một nhóm có nhiều thành viên là cha mẹ có con nhỏ. Bác sĩ Sang viết: “Ngày 20/6, bé Dương phải lên bàn mổ lần nữa. Mẹ bé nhờ tôi chia sẻ thông tin, với mong muốn xin lời chúc, lời cầu nguyện để con gái chị trải qua ca phẫu thuật thành công, có thể lấy lại được tri giác và vận động”.

Bác sĩ Sang cho biết, 2 lần đột quỵ trước, bé Dương được cấp cứu thành công, nhưng để lại nhiều di chứng như yếu liệt tay chân và liệt mặt, mặt. Đến lần thứ 3, do tình trạng nặng hơn, bé Dương ngoài bị các di chứng cũ còn mất tri giác.

“Con đã phải trải qua hàng trăm lần lấy ven lấy máu, do ven con yếu và ngắn. Mỗi lần chọc hơn 5 - 10 lần mới được. Lấy xong, truyền thuốc được 1-2 lần lại hỏng ven. Con cũng phải trải qua 3 lần chụp MRI, 2 lần chọc dịch não tủy, 1 lần chụp can thiệp mạch. Hay mỗi khi đau đầu vì nhồi máu não, đau mỏi vì cơ thể không cử động được, con chỉ biết khóc trong tay mẹ. Nhìn con lúc đó, lòng mẹ như thắt lại”, mẹ bé gái chia sẻ với bác sĩ Sang.

Một bé gái 3 tuổi bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh minh họa.

Chia sẻ của bác sĩ đã có thu hút hơn 7.000 người để lại bình luận, cầu nguyện cho bé Dương phẫu thuật thành công, sức khỏe bình phục. Mẹ bé gái thông qua bác sĩ Sang gửi lời cảm ơn đến những lời động viên của các thành viên trong nhóm. Chị nói: “Hành trình trên con đường phẫu thuật và phục hồi chức năng của con còn khá dài. Dù có phải vay mượn suốt đời, mẹ cũng phải chữa khỏi bệnh cho con”.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Sang cho biết, ca phẫu thuật của bé Dương được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương và thành công. Sau phẫu thuật, bé đã ổn định sức khỏe, được cai thở máy. “Con vẫn còn hành trình điều trị rất dài phía trước. Tôi đã thay mặt cho tất cả mọi người gửi món quà tinh thần đến con và nguyện cầu con mau khỏe”, bác sĩ Sang chia sẻ. 

Đột quỵ ở trẻ không phải do bệnh nền, lối sống như người lớn

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh một bệnh viện tư tại TP.HCM, thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ được đưa đến cấp cứu và được chẩn đoán bị đột quỵ. Độ tuổi trung trung bình là từ 7 đến 12 tuổi, nhưng có trường hợp chưa đầy một tuổi.

Đột quỵ ở trẻ em thường liên quan đến bệnh tim bẩm sinh. Ảnh minh họa.

"Đột quỵ ở người lớn thường liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống không lành mạnh như ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động. Còn đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não. Một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh là trẻ không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói. Khi trẻ có các dấu hiệu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… thì chỉ biết quấy khóc. Điều này khiến cho việc chẩn đoán bị chậm trễ, quá giờ vàng để can thiệp cứu sống trẻ”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em

Theo bác sĩ Đức, dấu hiệu đột quỵ trẻ em sắp xảy ra thường là:

- Trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội, hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói. 

- Sau nôn trẻ có thể giảm đau đầu, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi trẻ ăn, uống hay khóc. 

- Trẻ cầm nắm không như bình thường, đi lê chân một bên hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức.

- Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh tai biến mạch máu não có thể có biểu hiện khác như giảm hoặc mất thị lực, đau đầu đột ngột dữ dội nhưng không có nguyên nhân rõ ràng và kèm theo nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt...

Khi bỗng nhiên trẻ kêu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cha mẹ đừng nên chủ quan. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Đức khuyến cáo, đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ như liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt hay chăm sóc bản thân được. Để nhận diện nhanh những người có thể bị đột quỵ nói chung, trước hết cần chú ý tới khuôn mặt. Hãy yêu cầu trẻ hay người bệnh cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không.

Ngoài ra, người bệnh cần giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống hoặc không thể giơ lên. Bên cạnh đó, nếu trẻ nói lắp hoặc nói không rõ từng lời, nói khó hiểu, đó cũng là dấu hiệu đột quỵ.

Hoặc trẻ đang bình thường mà quấy khóc, dỗ không nín, hay trẻ đột nhiên kêu đau đầu, chóng mặt, nhìn khó… “Nếu trẻ có những biểu hiệu trên, nhiều khả năng trẻ đã bị tai biến mạch máu não. Do đó, gia đình cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu bởi thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là rất quan trọng, chỉ tính bằng giây”, bác sĩ Đức khuyến cáo.

* Tên người bệnh đã thay đổi.

DIỆU THUẦN