Bé trai 8 tuổi ném đồ đạc, từ chối đến trường khiến cha mẹ giận dữ: Chuyên gia chỉ cách tháo gỡ "nút thắt" trong lòng con

Trong mắt người lớn, những đứa trẻ bị gọi là “ngỗ nghịch” thường là những “kẻ gây rối nhỏ tuổi”: Bất trị, bướng bỉnh, lắm chiêu. Nhưng đằng sau chiếc vỏ nổi loạn ấy, có khi là một nỗi đau âm thầm, một vết nứt tâm lý chưa được nhìn thấy, chưa từng được thấu hiểu.

Theo Ths.BS Nguyễn Quốc Cường, chuyên gia Tâm lý - Tâm thần tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), nhiều hành vi tưởng chừng chống đối lại là biểu hiện của các rối loạn tâm lý mà trẻ chưa biết cách bày tỏ.

Khi ngỗ nghịch là một lời thì thầm cầu cứu

BS.Cường kể, có lần, một cậu bé 8 tuổi được cha mẹ đưa đến khám trong trạng thái căng thẳng kéo dài. Cha mẹ cậu bé cho biết, mỗi sáng thức dậy là một cuộc chiến, cậu bé ném đồ đạc, cãi lời, kiên quyết từ chối đến trường và dường như luôn mang theo một cơn giận dữ không tên. Cha mẹ lo lắng, nhưng trong mắt họ lúc đó, con chỉ là một đứa trẻ “bướng bỉnh”, “không chịu nghe lời”. Gia đình đã thử đủ cách từ la mắng, ép học đến phạt nặng, thế nhưng không một phương pháp nào khiến cậu bé dịu lại.

Sau khi tiến hành phỏng vấn lâm sàng với cả cậu bé và cha mẹ, kết hợp sử dụng các công cụ sàng lọc lo âu và trầm cảm phù hợp với lứa tuổi, kết quả cho thấy, cậu bé có mức lo âu rất cao, kèm theo nhiều biểu hiện cảm xúc bị dồn nén, khó ngủ, sợ bị cô lập, luôn căng thẳng khi nghĩ đến việc đến lớp.

Sự chống đối của trẻ đôi khi bắt đầu từ những tổn thương tâm lý. (Ảnh minh họa).

Khi được hỏi han, cậu bé chia sẻ, mỗi lần đến trường là một lần em đối mặt với nỗi sợ bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt. Nhưng vì không biết cách diễn đạt nỗi sợ, cậu bé chọn cách phản kháng bằng cách từ chối đến trường, la hét, ném đồ.

BS.Cường cho biết, cậu bé được trị liệu tâm lý cá nhân, học cách gọi tên và điều chỉnh cảm xúc, tập đối diện với lo âu mà không trốn chạy. Phụ huynh cũng được hướng dẫn thay đổi cách tiếp cận để đồng hành và yêu thương đúng cách. Đồng thời, gia đình phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ bé từng bước trở lại với lớp học.

Sau khoảng ba tháng can thiệp liên tục, cậu bé đã có thể đến trường đều đặn. Em ít nổi giận hơn, ít phản ứng tiêu cực hơn và quan trọng nhất, em bắt đầu biết nói ra cảm xúc của mình.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. BS.Cường cho biết: “Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hơn 60% trẻ đến khám vì ngỗ nghịch được chẩn đoán có rối loạn tâm lý, trong đó ADHD chiếm tỷ lệ cao, tiếp theo là lo âu và trầm cảm”.

Sự khác biệt giữa hành vi ngỗ nghịch thông thường và rối loạn tâm lý nằm ở tính chất và mức độ. BS.Cường chia sẻ, hành vi ngỗ nghịch do tính cách thường nhất thời, xuất hiện trong các tình huống cụ thể như khi trẻ bị ép buộc và không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Ngược lại, hành vi do rối loạn tâm lý lại kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, lặp đi lặp lại kèm theo các dấu hiệu như:

- Trẻ mắc chứng trầm cảm sẽ trở nên thu mình, ít nói, thường xuyên buồn bã.

- Trẻ rối loạn lo âu có thể lo âu quá mức, sợ hãi những điều không rõ ràng, dễ hoảng loạn.

- Còn trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, thường không thể ngồi yên, hay mất tập trung, dễ nổi cáu, học hành sa sút.

Để phân biệt, BS.Cường khuyên phụ huynh và giáo viên nên quan sát tần suất, bối cảnh của hành vi. Nếu trẻ chỉ giận dỗi trong một vài tình huống và nhanh chóng trở lại bình thường sau khi được an ủi, đó có thể là biểu hiện của tính cách. Nhưng nếu hành vi kéo dài, ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống hoặc mối quan hệ xã hội, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để được đánh giá. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tỷ lệ trẻ đến khám vì hành vi ngỗ nghịch ngày càng tăng. 

Đồng hành cùng trẻ

Hành vi ngỗ nghịch ở trẻ thường bắt nguồn từ cả hai yếu tố: Môi trường và rối loạn tâm lý, hiếm khi tách biệt hoàn toàn. Tuy nhiên Ths.BS Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh rằng: “Khoảng hơn 50% trường hợp có nguyên nhân chính đến từ môi trường sống, bao gồm áp lực học hành, mâu thuẫn trong gia đình, thiếu sự kết nối giữa cha mẹ và con cái hoặc các phương pháp nuôi dạy chưa phù hợp”.

Trong gia đình, những yếu tố như mâu thuẫn giữa cha mẹ, kỳ vọng quá cao hoặc thói quen so sánh con với người khác có thể khiến trẻ cảm thấy bất an. Khi không được lắng nghe, trẻ có thể phản ứng bằng cách chống đối, cáu gắt hoặc thu mình. 

Ở trường học, áp lực điểm số, sự cạnh tranh, kỳ vọng từ giáo viên dễ khiến trẻ quá tải. Nhiều em chọn cách từ chối làm bài, bỏ học, nổi loạn để bày tỏ sự bất mãn. Xã hội hiện đại, với nhịp sống nhanh và sự phổ biến của mạng xã hội cũng làm giảm cơ hội để trẻ giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh.

Theo BS Cường, việc hiểu rõ tâm lý trẻ là điều cha mẹ cần làm để đồng hành và yêu thương con đúng cách.

BS.Cường cho biết, trẻ từ 9-14 tuổi đang trong giai đoạn dậy thì nên rất dễ tổn thương trước áp lực học tập, bạn bè, mạng xã hội. Vì thế, việc nhận diện sớm các dấu hiệu tâm lý bất ổn và can thiệp kịp thời là rất cần thiết.

Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần. Các buổi hội thảo tại trường học, lớp học kỹ năng làm cha mẹ có thể giúp người lớn nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường. 

Thứ hai, phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, đặt những câu hỏi nhẹ nhàng như: “Hôm nay con có gì vui không?” để trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ. Với giáo viên, việc phối hợp với gia đình để giảm áp lực học tập và tạo môi trường lớp học thân thiện cũng rất quan trọng.

Khi trẻ được chẩn đoán có rối loạn tâm lý, các bước can thiệp ban đầu thường bao gồm: Trị liệu tâm lý, tư vấn phụ huynh và phối hợp với nhà trường. Trong một số trường hợp, thuốc có thể được sử dụng, nhưng luôn đi kèm sự theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ. “Sự đồng hành từ gia đình và nhà trường là nền tảng để trẻ vượt qua khó khăn”, BS.Cường khẳng định.

Cuối cùng, BS.Cường cho rằng nên phá bỏ định kiến rằng trẻ em không thể gặp vấn đề tâm lý. Trong một thế giới đầy áp lực, từ học hành đến mạng xã hội, trẻ cũng có những nỗi buồn, nỗi sợ không kém người lớn. Hành vi ngỗ nghịch có thể là cách các em lên tiếng khi chưa biết cách diễn đạt. Do đó, thay vì gắn nhãn “hư”, người lớn cần học cách lắng nghe và hỗ trợ.

AN THANH