Theo Toutiao, khoảng 22h30 ngày 3/9 vừa qua, bác sĩ Trương Quân Hồng – Giám đốc chuyên khoa nhi, Bệnh viện Nhi Ninh Hạ, Ngân Xuyên (Trung Quốc) nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Trung ương Hồng Tự Bảo.
Bệnh viện này cho biết đang điều trị khẩn cấp cho bé trai 9 tháng tuổi bị sặc sữa dẫn tới ngạt thở, tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Trương nắm được thông tin, lập tức hội chẩn từ xa, hướng dẫn các nhân viên y tế ở Bệnh viện Trung ương Hồng Tự Bảo thực hiện điều trị và thiết lập hệ thống thông khí cho bệnh nhi.
Cùng lúc, Bệnh viện Trung ương Hồng Tự Bảo cũng gấp rút điều động nhân viên và xe cấp cứu, khẩn trương đưa bệnh nhi tới Bệnh viện Nhi Ngân Hạ. Chuyển đến bệnh viện Nhi Ninh Hạ vào khoảng 2h30 ngày 4/9, bệnh nhi được đưa ngay vào đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Trương nhanh chóng tiến hành cấp cứu, chụp CT ngực, đặt ống nội khí quản, chống nhiễm trùng... Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi ngày càng xấu đi, dấu hiệu xẹp phổi trở nên rõ ràng hơn, lượng oxy giảm khi đặt trẻ nằm ngửa.
Dựa vào kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bác sĩ Trương cho rằng nguyên nhân có thể do bệnh nhi mắc dị vật trong đường thở. Vì vậy, bác sĩ Trương đã kết hợp với Giám đốc Trung tâm nội soi, dùng ống nội soi phế quản nhỏ nhất để thăm dò. Kết quả cho thấy có một dị vật màu trắng mắc kẹt trong phế quản của bệnh nhi.
Dị vật trong đường thở không được loại bỏ kịp thời sẽ khiến chức năng phổi của trẻ bị suy giảm nghiêm trọng. Các bác sĩ đã sử dụng loại kẹp gắp siêu nhỏ để tiến hành loại bỏ dị vật khỏi đường thở của bệnh nhi. Sau khoảng nửa tiếng, bác sĩ đã thành công gắp được dị vật trong phế quản của bệnh nhi.
Dị vật là một mảnh nhựa được vo tròn có kích thước 1cm x 1,5cm. Kiểm tra kỹ hơn, các bác sĩ phát hiện đó là miếng nhãn dán trên quần áo của trẻ nhỏ. Nhìn thấy thứ mà bác sĩ gắp ra từ phế quản con trai, người mẹ không khỏi bàng hoàng. Được biết, sau ca nội soi, lượng khí lưu thông vào phổi của bệnh nhi nhanh chóng được cải thiện, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.
Trẻ nhỏ bị hóc nghẹ thường do thực phẩm, đồ chơi và các vật nhỏ khác có thể dễ dàng kẹt trong khí quản của bé. Để tránh trẻ bị hóc nghẹn, bố mẹ cần đặc biệt chú ý những điều sau:
- Dạy trẻ ngồi khi ăn và nhai kỹ, nuốt thức ăn trước khi cười nói hay chơi đùa.
- Không để trẻ chạy, chơi thể thao, ngồi trong xe khi đang ăn kẹo cao su, kẹo cứng, kẹo mút.
- Không cho trẻ dưới 4 tuổi ăn bất cứ thực phẩm cứng hay dẻo nào có nguy cơ gây nghẹn một phần hoặc toàn bộ khí quản như hạt hướng dương, dưa hấu có hạt, bỏng ngô, kẹo cứng…
- Không để các vật dụng có thể gây nguy hiểm hóc nghẹn như đồng tiền, pin, nắp chai, kim băng, ghim giấy, đinh, quả bóng nhỏ… trong tầm với của trẻ.
- Tuân theo các khuyến nghị độ tuổi của nhà sản xuất khi mua đồ chơi. Một số đồ chơi có các bộ phận nhỏ có thê gây hóc nghẹn, bố mẹ cần chú ý đến tất cả các cảnh báo trên bao bì của món đồ.
- Kiểm tra thường xuyên các bộ phận lỏng lẻo hoặc bị hỏng của trang phục, đồ chơi.
- Cẩn thận vứt bỏ các loại pin, đặc biệt là pin hạt nút như pin đồng hồ.
Đinh Kim (T/h) - Người Đưa Tin