Nhiều thiết bị có dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng
BVĐK Nông nghiệp trực thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nhiều khoa khám chữa bệnh khác nhau, địa chỉ cơ sở I: Km13+500 Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội; cơ sở II: số 16 Ngõ 183 - Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.
Theo nhu cầu hoạt động, bệnh viện đã tổ chức nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh. Khi PV tìm hiểu ngẫu nhiên 2 gói thầu được thực hiện năm 2022, nhiều thiết bị được mua sắm cao hơn giá nhập khẩu khiến chênh lệch lên tới gần 11 tỷ đồng.
Cần nói rõ, giá nhập khẩu các thiết bị mà phóng viên dùng để so sánh trong cả hai gói thầu này đều đã bao gồm thuế VAT và thuế nhập khẩu từ 10-15% tùy từng hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nhà thầu cung cấp sản phẩm cho chủ đầu tư sẽ chịu thêm các khoản chi phí phát sinh khác như vận chuyển, kho bãi… và phương án lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thế nhưng, mức chênh lệch tới cả chục tỷ đồng là điều rất đáng để suy ngẫm.
Cụ thể, 2 gói thầu được nhắc đến ở đây là gói Cung cấp, lắp đặt thiết bị y tế phục vụ chống dịch (Quyết định số 861/QĐ-BV ngày 29/4 – Giám đốc Hà Hữu Tùng ký) và Mua sắm vật tư thận nhân tạo năm 2022 (Quyết định số 2768/QĐ-BVNN-KD ngày 20/12 – Phó Giám đốc Đỗ Thế Hùng ký).
Gói thầu tháng 4 về tay công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Phúc Khang với giá 5.993.400.000 đồng (Năm tỷ, chín trăm chín mươi ba triệu, bốn trăm nghìn đồng). Gói thầu tháng 12 do công ty Cổ phần Máy lọc thận Việt Nam trúng với giá 21.671.637.330 đồng.
Nghiên cứu của phóng viên cho thấy, 5/9 mã hàng hóa được mua sắm ở gói thầu chống dịch cao hơn từ 2-3 lần so với giá nhập khẩu, khiến tổng giá gói thầu bị “đội” lên 1,6 tỷ đồng.
Đơn cử như máy giúp thở, máy siêu âm chẩn đoán, máy thận nhân tạo được BVĐK Nông nghiệp phê duyệt lần lượt là 748.650.000, 991.950.000 và 369.600.000 đồng.
Thế nhưng, tương ứng mức giá nhập khẩu các thiết bị với cùng model, kí hiệu, xuất xứ, hãng sản xuất là 238.902.897, 443.924.808 và 170.156.199 đồng.
Ở gói thầu tháng 12, BVĐK Nông nghiệp – với vai trò chủ đầu tư có thể cũng đã không tiết giản được cho ngân sách số tiền lớn, bởi 8/17 thiết bị chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu khoảng 9,2 tỷ đồng.
Lấy ví dụ như bột khô Bicarbonate loại Bibag 5008 900g, đơn vị tính theo túi và bột khô pha dịch A đậm đặc Granudial AF15, đơn vị tính theo thùng (cùng xuất xứ Fresenius Medical Care – Pháp) có giá dự thầu 168.000 và 1.599.885 đồng. Tuy nhiên, đơn giá nhập khẩu 2 mã hàng này chỉ 62.823 đồng và 749.181 đồng.
Nếu tính theo khối lượng mà BVĐK Nông nghiệp mua tại gói thầu, giá nhập khẩu của 2 hàng hóa thấp hơn gói thầu lần lượt là 3,15 và 2,7 tỷ đồng.
Quả lọc thận nhân tạo ELISIO-15M của Nipro, Nhật Bản được nhà thầu cung cấp với giá 342.300 đồng. Còn theo tài liệu của phóng viên, sản phẩm được nhập khẩu giá chỉ 154.793 đồng. Với 7.141 quả, công ty Cổ phần Máy lọc thận Việt Nam đã cung cấp cho chủ đầu tư cao hơn giá trị nhập khẩu số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Trong quá trình tìm hiểu và thu thập tài liệu, phóng viên được biết, nhiều mã hàng hóa trong số các thiết bị y tế kể trên được nhập khẩu về Việt Nam ở những thời điểm khác nhau và đơn vị nhập khẩu cũng không phải là duy nhất.
Do đó, mức giá có sự chênh lệch tùy vào thời điểm với những biến động tỷ giá ngoại tệ - nhưng nhìn chung dao động không đáng kể. Việc sử dụng mức giá so sánh trong bài đã được phóng viên lựa chọn thời điểm nhập khẩu gần với thời gian thực hiện gói thầu nhất.
Chủ đầu tư khẳng định đúng trình tự
Để làm rõ những băn khoăn về mức chênh lệch kể trên, phóng viên đã liên hệ tới BVĐK Nông nghiệp. Trong văn bản phản hồi do Phó Giám đốc Đỗ Thế Hùng ký, phía Bệnh viện khẳng định 2 gói thầu được tiến hành đúng theo trình tự và quy định của luật Đấu thầu.
“Dự toán gói thầu được tham khảo, xây dựng và thống nhất căn cứ vào: Giá trúng thầu phổ biến và giá kê khai được tra cứu và đăng tải trên cổng thông tin điện tử bộ Y tế; chứng thư thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá độc lập.
Công ty thẩm định giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin trong chứng thư thẩm định giá. Nhà thầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác tất cả thông tin trong E-HSDT; Đơn vị thẩm định giá chịu trách nhiệm về giá thẩm định gói thầu; Đơn vị tư vấn đấu thầu chịu trách nhiệm lập E-HSMT, đánh giá E-HSDT; Đơn vị thẩm định đấu thầu chịu trách nhiệm thẩm định E-HSMT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu”, văn bản nêu.
Ngoài nội dung thể hiện trong văn bản, BVĐK Nông nghiệp không trao đổi thêm bất cứ tư liệu gì về công tác tổ chức đấu thầu.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng địa phương và Trung ương cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ việc mua sắm thiết bị tại 2 gói thầu trên.Việc làm này không những minh bạch thông tin trước dư luận mà còn tránh được điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tham gia định giá gói thầu.
Theo luật sư Phạm Hồng Kiên, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định thêm tội danh mới liên quan tới lĩnh vực này. Cụ thể, Điều 222 có nội dung quy định, người nào gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
2 gói thầu không “đối thủ” cạnh tranh Kết quả mở thầu gói thầu chống dịch tháng 4 và gói mua sắm vật tư thận nhân tạo tháng 12 kể trên của BVĐK Nông nghiệp cho thấy, mặc dù được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Phúc Khang và công ty Cổ phần Máy lọc thận Việt Nam đều là những nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu rồi trúng thầu mà không có “đối thủ” cạnh tranh. Công ty Cổ phần Máy lọc thận Việt Nam từng thực hiện 144 gói thầu có tổng trị giá 465.876.855.610 đồng. Nhà thầu này quen mặt tại trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (trúng 15/16 gói, 1 gói chưa có kết quả); BVĐK tỉnh Bắc Ninh (trúng 8/10 gói); BVĐK Cà Mau (trúng 8/9 gói); BVĐK tỉnh Ninh Bình (trúng 8/8 gói); BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc và trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đều trúng 6/6 gói… Về công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Phúc Khang, trên mạng đấu thầu Quốc gia, doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện 27 gói thầu với tổng giá trị 40.326.562.450 đồng. Phúc Khang là “gương mặt thân quen” tại sở Y tế tỉnh Điện Biên khi trúng 5/7 gói thầu; trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên trúng 5/6 gói; bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh trúng 3/3 gói. |
Dương Thu - Lê Tuấn