Bạo lực gia đình tăng từ 30%-300% trong Covid
Đó là một trong số những câu chuyện trên được nêu tại hội nghị tổng kết Chương trình chung gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn III tại Việt Nam (2021-2022), diễn ra vào ngày 21/6 tại Vĩnh Phúc.
Được biết, người phụ nữ này bị chồng đánh nhiều, nên đã tìm đến Ngôi nhà bình yên để tạm lánh. Thời gian ở đây đã kéo dài 2 tháng, nhưng chị vẫn không dám về vì sợ những trận bạo hành từ chồng.
Đó không phải chuyện hiếm, một trường hợp khác cũng tìm đến Ngôi nhà bình yên để trốn chạy khỏi những cơn đánh đập của chồng. Người phụ nữ này kể lại, đại dịch xảy ra khiến vợ chồng chị mất việc làm. Thời gian giãn cách ở nhà nhiều, nhà thì nhỏ, đi ra đi vào nhìn thấy nhau, thiếu thốn ăn uống nên vợ chồng lời qua tiếng lại.
“Mỗi lần cãi cọ, chồng tôi lại đập phá đồ và đánh vợ. Anh ta cho rằng, đàn ông đánh vợ là bình thường. “Vì mày yếu kém nên mới thế, không vì mày thì dịch Covid-19, bố con tao vẫn sống được”, đó là những lời chì chiết, đổ lỗi đi kèm với hành vi bạo lực mà người chồng gây ra, qua lời thuật lại của người phụ nữ ấy.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Lan Phương (Cán bộ quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trên toàn cầu bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trầm trọng hơn, bạo lực với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực gia đình tăng từ 30%-300%.
Có hơn 1/3 phụ nữ (37,8%) bị ít nhất một loại hình bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, tình dục, bạo lực bằng hành vi hay kinh tế do chồng/bạn tình gây ra. Các thống kê cũng chỉ ra, tình trạng bạo lực tình dục và lạm dụng tình dục gia tăng.
“Tại Việt Nam, đường dây nóng và Ngôi nhà bình yên, Ngôi nhà Ánh dương đều ghi nhận sự gia tăng báo động các cuộc gọi kêu cứu của nạn nhân từ khi Covid-19 xuất hiện. Nạn nhân càng khó tiếp cận tới các dịch vụ thiết yếu do bị giãn cách xã hội và gặp nhiều nguy hiểm hơn khi phải ở chung nhà với người gây bạo lực” - bà Lê Thị Lan Phương chia sẻ.
Theo vị đại diện này, thời gian qua, UN Women đã triển khai Chương trình làm việc - Gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn 3 (2021-2022). Chương trình đã cung cấp dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực, năng lực của các bên cung cấp dịch vụ được tăng cường.
Về kết quả ở cấp độ chính sách, theo các diễn giả, Việt Nam đã có một số tiến bộ trong việc thực hiện luật pháp và chính sách về bạo lực trên cơ sở giới trong lĩnh vực y tế, hành pháp và tư pháp, dịch vụ xã hội quản trị và điều phối thông qua thực hiện gói dịch vụ thiết yếu; hiểu biết và việc sử dụng các dịch vụ sẵn có ở cộng đồng được tăng lên.
Cũng tại hội nghị, bà Lê Thị Lan Phương cho biết, nạn nhân của bạo lực có nhiều nhu cầu như nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp lý. Tuy nhiên các biện pháp ứng phó bạo lực đối với gia đình còn rời rạc. Các dịch vụ sẵn có khá ít, chuẩn mực xã hội còn xem nhẹ, bình thường hóa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, thiếu thông tin liên ngành và cơ chế chuyển gửi…
Bà Trần Thị Bích Loan (Phó Vụ trưởng vụ Bình đẳng giới, bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) đánh giá: “Gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực được Liên Hợp Quốc hỗ trợ trong các cơ quan của Việt Nam, với 4 hợp phần dịch vụ quan trọng, thứ nhất là hợp phần dịch vụ y tế, hợp phần dịch vụ về tư pháp hành pháp, hợp phần dịch vụ xã hội và hợp phần dịch vụ điều phối và quản trị điều phối.
Với các hợp phần dịch vụ này, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Ví dụ ngành tư pháp có công an, tòa án, viện kiểm sát; y tế, dịch vụ xã hội có ngành lao động, thương binh và xã hội... Với các cơ sở đang cung cấp dịch vụ cho những nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới hay những nạn nhân bị mua bán buôn bán người, chúng tôi cho rằng, với hiện nay Việt Nam đang là thành viên quốc gia tham gia công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (hay còn gọi là công ước CEDAW).
Chúng ta cũng cam kết các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, có mục tiêu số 5 về đạt được bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, có 2 chỉ tiêu cụ thể là: giảm thiểu tiến tới chấm dứt bạo lực với phụ nữ và các trẻ em gái ở mọi lĩnh vực và ở mọi nơi; hay xóa bỏ mọi hình thức bạo lực bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cả nhóm người khuyết tật hay người di cư, các hợp phần dịch vụ này sẽ hỗ trợ các cơ quan Việt Nam từ nền tảng kiến thức để chúng ta có thể vận dụng vào trong bối cảnh của Việt Nam một cách phù hợp nhất để từng bước xây dựng dịch vụ đáp ứng nhu cầu những người bị bạo lực và những đối tượng có liên quan”.
“Chúng tôi hy vọng rằng, quá trình triển khai các gói hợp phần thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng của người dân, đặc biệt là những người bị bạo lực. Họ sẽ mạnh dạn lên tiếng nói lên tình trạng bị bạo lực của mình, mạnh dạn tìm đến các cơ sở cung cấp dịch vụ, các cơ sở dịch vụ cũng cần cải thiện để hoàn thiện mình. Để làm sao, khi người bị bạo lực tìm đến, họ có cảm giác an toàn, họ được mở lòng về câu chuyện của mình, được bảo vệ, giúp họ tìm lại sự công bằng. Theo phương châm, những người bị bạo lực cần được bảo vệ, còn những người gây ra hành vi bạo lực cần được nghiêm trị, xử lý một cách nghiêm minh.
Những điều đó sẽ đóng góp cho Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống buôn bán người, cũng như các công ước Việt Nam đang là thành viên” - Phó Vụ trưởng vụ Bình đẳng giới bày tỏ.
Hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành vẫn hoạt động 24/7 trong Covid
Trao đổi bên lề với phóng viên, bà Nguyễn Thúy Hiền (Phó Giám đốc trung tâm Phụ nữ và Phát triển, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng thông tin: “Hiện nay, trung tâm Phụ nữ và Phát triển đang vận hành và quản lý 3 Ngôi nhà bình yên (2 Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội và 1 tại Cần Thơ), hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, bị bạo lực gia đình, bị bạo lực tình dục, bị mua bán trở về...
Có thể nói, trong giai đoạn dịch Covid-19, các dịch vụ xã hội gần như bị “đóng băng”, tuy nhiên, hoạt động Ngôi nhà bình yên của chúng tôi vẫn hoạt động 24/7. Các tư vấn viên vẫn làm việc không kể ngày đêm, bởi nạn nhân không được di chuyển, nhưng vẫn bị bạo lực dưới rất nhiều hình thức và cuối cùng đã kết nối với chúng tôi thông qua tổng đài 1900969680, cũng như qua các mạng xã hội Zalo, Facebook... Vì vậy, nhân viên của chúng tôi vẫn kết nối và hoạt động 24/7”.
Bà Nguyễn Thúy Hiền cũng nhắc đến một số khó khăn của hoạt động hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh: “Trong giai đoạn ấy, để tiếp nhận nạn nhân, quả thực khó khăn hơn rất nhiều so với trước khi có dịch Covid-19. Bởi vì chúng tôi phải luôn túc trực, đảm bảo giấy đi đường, để thân chủ có thể rời địa phương đến Ngôi nhà bình yên, đặc biệt, ngoài ra chúng tôi phải có những biện pháp an toàn dịch bệnh cho người tạm trú. Ví dụ, có nơi ở cách ly đủ 14 ngày, trước khi vào Ngôi nhà bình yên, để vừa phòng ngừa cho thân chủ và cả các nhân viên. Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với trạm y tế địa phương để có những biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất cho thân chủ. Trong khoảng thời gian Covid-19, dịch vụ tư vấn qua mạng xã hội, tổng đài tăng lên gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước”.
Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) đã từng chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.
Tuy nhiên, 90,4% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.