Bị sốt cao, ăn là nôn, đau đầu suốt 3 ngày vì loại virus đang bùng phát

Cô gái 30 tuổi bị rát họng, ho, sốt cao 38-38,5 độ C, đầu đau như búa bổ, ăn vào là nôn nên đi khám và được chẩn đoán bị nhiễm virus cúm B.

Chia sẻ với Tổ Quốc, chị Hoàng Bích (SN 1992, Hà Nội) cho biết, ban đầu chị thấy họng rát, ho, không sổ mũi, vẫn có thể đi làm bình thường. Đến tối, chị bắt đầu sốt khoảng 38-38,5 độ C.

Chị có uống thuốc giảm đau hạ sốt nhưng đến nửa đêm thì đầu đau như búa bổ nên đã thức đến sáng. Đến hôm sau người vẫn sốt 38 độ, chị uống nhiều nước, ăn hoa quả, uống oresol, hạ sốt, giảm đau. Nhưng cơn đau đầu khiến chị thức trắng đêm, không thể ngủ nổi.

“Đến ngày thứ 3 thì mọi thứ vô cùng khủng khiếp khiến mình không chịu được nữa. Mình nghĩ rằng cúm thông thường không thể nào mà lại đau đầu đến như vậy, đau không từ nào diễn tả nổi. Thậm chí, uống hạ sốt, giảm đau không hề đỡ, phải nằm im một chỗ, chỉ cần cử động nhẹ là cái đầu như kiểu ai đánh trăm phát.

Ngay lập tức, chồng mình đã đưa ra phòng khám gần nhà kiểm tra, mình nghĩ là bị cúm A – vì đang dịch nhiều nhưng không, kết quả là cúm B.

Sau đó, bác sỹ có kê đơn thuốc cho mình nhưng hơn một ngày đổi các loại đồ ăn từ hoa quả, nước, bún, phở, cháo...cũng không thể làm cho cái bụng yên ổn, ăn vào là nôn", chị Bích kể.

Đến nay, sức khỏe chị Bích đã ổn định hơn nhưng vẫn còn sợ hãi khi nhắc đến những ngày bị virus cúm hành hạ.

Thông tin với Sức khỏe và Đời sống, BS Nguyễn Văn Quang, Bệnh viện 103, cho biết, cúm B là bệnh viêm đường hô hấp gây nên bởi virus cúm. Khác với virus cúm A có nhiều chủng gây bệnh (H1N1, H3N2, H5N1…), virus cúm B chỉ có một loại chủng duy nhất.

Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền qua động vật như cúm A. Triệu chứng cúm B thường nhẹ và ít rầm rộ hơn khi so sánh với các biểu hiện của cúm A. Chủng cúm tuýp B cũng chỉ có thể gây bệnh cúm mùa, không gây ra đại dịch.

Tuy không phổ biến như cúm A và ít có khả năng gây dịch, nhưng bệnh cúm gây ra bởi virus cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính như:

- Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào nếu mắc cúm cũng có thể sinh non hoặc sảy thai.

- Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính về chuyển hóa, tim, phổi, thận…

- Người bị suy giảm miễn dịch: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp..

Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khẳng định cả hai loại cúm A và B đều có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng như nhau. Quan niệm trước đây cho rằng cúm B nhẹ hơn là sai lầm. Do đó, chúng ta không nên chủ quan với bệnh cúm B.

Các biến chứng của cúm B bao gồm:

Suy hô hấp

Đây là biến chứng nặng nhất của cúm B. Những biểu hiện của hiện tượng này xảy ra trong khoảng thời gian khi đã quá từ 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn kèm theo triệu chứng khó thở, tím tái, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu. Người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.

Trường hợp này dễ xảy ra khi người mắc cúm B có bội nhiễm vi khuẩn trên nền bệnh lý mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch.

Gây nguy hiểm cho thai nhi

Phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm B có khả năng sinh non hoặc xảy thai. Trong giai đoạn có bầu, cơ thể người phụ nữ phải chịu nhiều biến đổi từ bên trong, sự suy giảm hệ miễn dịch là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, thai phụ dễ dàng bị những biến chứng trên phổi khi bị mắc cúm B, có nguy cơ sinh non hoặc sảy thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu của thai kỳ.

"Sau thời gian ủ bệnh và khởi phát bệnh, người mắc cúm B sẽ cần 5-7 ngày để đẩy lui các triệu chứng bệnh. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người nguy cơ cao (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền mạn tính…) dễ gặp các biến chứng khi bị cúm: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn, viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh… Những đối tượng có nguy cơ cao thì không nên chủ quan điều trị tại nhà, nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời", BS Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội) cho biết thêm.

Các triệu chứng của cúm B

Đời sống - Bị sốt cao, ăn là nôn, đau đầu suốt 3 ngày vì loại virus đang bùng phát

Sốt cao là một trong những triệu chứng của bệnh cúm. Ảnh minh họa.

Cúm B thường có một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thuộc đường hô hấp trên khác. Một số triệu chứng có thể kể tới như:

- Ho, đau hoặc ngứa rát cổ họng

- Viêm họng

- Chảy nước mũi

- Hắt hơi liên tục

- Các triệu chứng toàn thân khi nhiễm cúm B là mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sốt cao có thể lên tới 41 độ C mà không hạ sốt được thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.

Một số triệu chứng khác có thể gặp khi nhiễm cúm B là:

- Sốt vừa đến sốt cao (trên 39 độ C)

- Ớn lạnh toàn thân

- Hoa mắt, đau đầu

- Đau nhức cơ, đau khi vận động

- Tiêu chảy, đau dạ dày

- Buồn nôn và nôn

- Chán ăn, khô miệng

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, khi trẻ bị nhiễm cúm B rất dễ sốt cao, có thể gây co giật rất nguy hiểm hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều gây mất nước, mệt lả. Với những người bị hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… thì các biểu hiện cúm B sẽ có khả năng nặng hơn, thậm chí gây ra một đợt cấp nghiêm trọng.

Khi nào bệnh nhân mắc cúm B cần đến viện?

Theo BS Thiệu, khi người bệnh gặp các dấu hiệu sau thì cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng:

- Người lớn: Khó thở hoặc thở gấp, sốt cao trên 39 độ C kéo dài, đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn ói nhiều…

- Trẻ em (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): Khó thở hoặc thở gấp, bỏ ăn, mê man, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài, nôn ói nhiều…

- Người già, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch có thể xảy ra biến chứng nặng nếu không may mắc cúm mà không được điều trị kịp thời.

Với loại bệnh do virus cúm B hay những virus khác gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn có thể dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân để kê thuốc hạ sốt, nhằm điều trị các triệu chứng xuất hiện trên người bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng.

Các phương pháp trị bệnh chủ yếu theo nguyên tắc:

Hạ sốt, nghỉ ngơi trong phòng có không gian thoáng, môi trường đảm bảo sạch sẽ. Sử dụng các khoáng chất, vitamin giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, loại bỏ các mầm mống gây bệnh và ngăn ngừa biến chứng do virus. Bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn mỗi ngày.

"Có thể điều trị cúm B với các thuốc hạ sốt giảm đau không cần kê đơn hoặc trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus để rút ngắn quá trình điều trị, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn và ngăn ngừa biến chứng bệnh.

Cúm B là bệnh có thể phòng ngừa và chặn đứng hiệu quả bằng cách tiêm vắc-xin. Tiêm vắc xin giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm đạt tới 97%. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh", BS Thiệu cho hay.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virrus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

- Nếu triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi..., ngày càng tăng nặng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.