Nếu bán sai giá kê khai sẽ bị xử lý
Phát biểu giải trình làm rõ thêm một số ý kiến ĐBQH nêu về vấn đề quản lý giá trong lĩnh vực y tế sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quy định này đã được nêu rõ trong Luật Giá 2012, giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý.
Ví dụ, giá thiết bị y tế giao cho Bộ Y tế…. từ quy định đó, Nghị định của Chính phủ đã xác định trách nhiệm quản lý giá, thiết bị y tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đánh giá thời gian vừa qua đã xảy ra sai phạm về quản lý giá về giá đất, thiết bị y tế, giáo dục.
“Bộ Y tế xây dựng Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Bộ Tài chính tham gia cùng với Bộ Y tế góp ý để đề nghị với Chính phủ thắt chặt lỗ hổng này. Theo Nghị định 98 phải kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.
"Khi đã kê khai giá nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng xử lý hình sự”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.
Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp để “bịt lỗ hổng” trên là trong kê khai giá yêu cầu nếu thiết bị y tế nhập khẩu phải thông qua giá nhập, các chi phí tính toán hợp lý; nếu sản xuất trong nước phải công khai.
Việc loạn giá thiết bị y tế cũng được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên chất vất sáng nay, theo đó Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục thuế, Tổng cục hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ nâng giá. Tiến hành chỉ đạo để đảm bảo không để xảy ra tình trạng lợi dụng để trục lợi.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng hệ thống y tế cấp huyện vẫn có những thiệt thòi, trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã ở vùng miền núi hết sức quan trọng. Hiện nay, nên giao cho UBND quản lý tài chính, còn Sở Y tế quản lý về mặt chuyên môn.
Về vấn đề xã hội hóa y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Đây là mô hình tốt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, mô hình này dễ xảy ra sai phạm do có những lỗ hổng. Vì vậy, cũng cần có xây dựng văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để ngăn chặn thất thoát, lãng phí”.
Bộ Y tế không quản lý giá là thiếu sót
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời nhưng chưa thực sự thỏa mãn với thắc mắc và mong muốn của cử tri.
Khẳng định loạn giá là có thật, ý kiến của cử tri hoàn toàn đúng đắn, đại biểu Trí cũng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, lắng nghe của Bộ Y tế khi đã ban hành thông tư 16 quy định các loại giá xét nghiệm Covid-19 ngày 9/11 vừa qua. "Từ lúc xảy ra dịch, Bộ Y tế có thay đổi, điều chỉnh giá nhiểu lần, như hôm qua là điều chỉnh ở mức độ toàn thể", đại biểu Trí nói.
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài Chính, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu kiến nghị của cử tri về 2 vấn đề liên quan đến việc loạn giá xét nghiệm.
Ông Trí cho rằng: “Bộ Y tế cần có thông tư quy định giá trần với y tế tư nhân, lý do là bởi Covid-19 là đại dịch đặc biệt và giá dịch vụ xét nghiệm cần quản lý theo hình thức đặc biệt. Giá xét nghiệm của tư nhân có thể cao hơn nhưng không thể quá cao”.
Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần mời chuyên gia, nhà chuyên môn trong lĩnh vực, để xây dựng bảng giá đảm bảo quyền lợi nhân dân và tạo điều kiện cho cơ sở y tế tư nhân chân chính, có trình độ tham gia chống dịch tốt hơn. Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng này đã tham gia hỗ trợ chống dịch rất tốt.
“Đồng thời, Bộ Y tế, Sở ban ngành cần thường xuyên có kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng loạn giá xét nghiệm. Cử tri thời gian qua đã có phát hiện về việc dùng kit test trôi nổi, kit test từ nguồn viện trợ”, ông Trí bày tỏ.
Cũng phát biểu tranh luận, ĐBQH Phạm Văn Hoà cơ bản thống nhất với những ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tuy nhiên đại biểu cũng nêu thêm ý kiến tranh luận:
"Trong thời gian qua, Bộ Y tế dường như buông lỏng giá xét nghiệm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương đều có giá khác nhau. Mặc dù, giá kit xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá, doanh nghiệp này nhập vào cao hơn, doanh nghiệp khác thì có thể thấp hơn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá. Đại biểu cho rằng đây là một thiếu sót, thời gian qua người dân rất phàn nàn về điều này".
“Tới đây, Bộ Y tế đã có quy định mới, tuy nhiên, không biết giá này có tham khảo với Bộ Tài chính hay không?”, đại biểu Hoà thắc mắc.
Do đó, đại biểu đề nghị phải rất cẩn trọng để có sự kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ. Mặc dù, giá xét nghiệm đề ra là 106 – 109 nghìn sắp tới đây là của Nhà nước nhưng còn của tư nhân thì thế nào?
Ngoài ra, vấn đề tách riêng giữa quản lý chuyên môn và quản lý kinh tế đối với giám đốc bệnh viện? Đại biểu cho rằng vấn đề này rất là khó bởi còn liên quan đến Bộ Nội vụ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến để cho các cơ sở y tế ở từng địa phương cũng như Bộ Y tế bố trí những trường hợp này được hay không bởi còn liên quan đến bộ máy biên chế của nhà nước.
Hoàng Bích - Hồng Bích/ Người Đưa Tin