Theo thông tin được đăng tải, cách đây không lâu, anh Ngô (36 tuổi, ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) hướng dẫn con làm bài tập về nhà. Giảng đi giảng lại lại suốt nửa tiếng nhưng con trai vẫn không hiểu, anh Ngô bực mình hét lớn: “Sao vẫn không làm được? Đã nói nhiều lần rồi?”.
Anh Ngô sau đó cố nén giận, giảng thêm một lần nữa nhưng con trai vẫn không làm được bài tập. Cơn giận lên đến đỉnh điểm, anh Ngô đã đập mạnh vào bàn và một cơn đau ập đến ngay sau đó khiến anh rùng mình. Sau 1 ngày, cơn đau ở bàn tay phải vẫn không thuyên giảm nên anh Ngô đến bệnh viện thăm khám.
Qua kiểm tra sơ bộ, bác sĩ Điền Phi phát hiện lòng bàn tay phải của anh sưng lên, có những vết bầm tím và đau rõ ràng. Kết quả chụp X-quang cho thấy đầu xa của xương ống thứ 5 ở tay phải của anh Ngô đã bị gãy, phần đầu bị gãy rõ ràng bị di lệch, cần phải nhập viện để thực hiện tiểu phẫu.
Sau khi nghe bác sĩ thông báo tình hình, anh Ngô miễn cưỡng nói: “Nhiều lúc tức đến mức không nhịn nổi. May cú đập này ở trên bàn, nếu trúng thắng bé thì phiền phức lớn”.
Bác sĩ đã tiến hành điều trị và băng bó cho anh Ngô, đồng thời nhấn mạnh rằng vì vị trí xương gãy khá đặc thù, việc cố định vết gãy rất khó khăn, có nguy cơ di lệch và sai khớp nên anh cần cẩn thận hơn.
Trước đó, một người đàn ông họ Từ ở Hồ Nam (Trung Quốc) cũng tự đánh gãy cả tay mình khi con trai nghịch ngợm, mất tập trung trong lúc làm bài tập về nhà.
“Thằng bé đòi nghịch điện thoại, cố tình trì hoãn việc làm bài tập. Tôi nói nó cũng không chịu nghe. Tôi vô cùng tức giận, muốn đánh người. Sức người lớn rất mạnh, thằng bé sẽ không chịu nổi một quyền của tôi, vì thế để giải tỏa, tôi vẫn đánh mạnh xuống bàn", anh Từ kể.
Anh cảm thấy khá đau sau khi cú đánh nhưng không mấy để ý. Tuy nhiên sau đó không lâu, lòng bàn tay bất ngờ sưng tấy và bầm tím, ngày càng đau đớn hơn. Nhận thấy tình hình không ổn, anh nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra thì biết tin mình bị gãy lòng bàn tay phải.
Theo bác sĩ Lưu Phong – Phó trưởng khoa Chỉnh hình của bệnh viện, trường hợp của anh Từ là gãy xương do va đập với vật cứng, còn gọi là "gãy xương võ sĩ", nếu không được chữa trị kịp thời thì có thể dẫn đến bị dị tật bàn tay, gây đau đớn và ảnh hưởng đến chức năng bình thường của bàn tay.
Biết chuyện bố bị gãy tay vì dạy mình học, con trai anh Từ vô cùng tự trách, hứa sẽ ngoan ngoãn và nghe lời hơn. Trong khi đó, anh Từ cảm thấy nếu con trai biết lỗi, thay đổi theo chiều hướng tối thì lần gãy tay này cũng xứng đáng. Tuy nhiên, anh khuyên các phụ huynh khác không nên học theo mình, tốt nhất không dùng bạo lực để dạy con.