Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ việc dạy học trực tuyến: Mở rộng băng thông, miễn giảm giá cước Internet

Bộ GD&ĐT mới đây có công văn đề nghị bộ TT&TT hỗ trợ dạy học trực tuyến, trong đó mở rộng băng thông, miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo.

Ngày 7/9, bộ GD&ĐT có công văn đề nghị bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hỗ trợ dạy học trực tuyến, trong đó mở rộng băng thông, miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo.

Nội dung công văn thể hiện, bộ GD&ĐT đề nghị bộ TT&TT chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là cước Internet 3G, 4G; giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.

bo gd dt de nghi ho tro viec day hoc truc tuyen mo rong bang thong mien giam gia cuoc internet dspl

Bộ GD&ĐT đề nghị bộ TT&TT hỗ trợ việc dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 30/8, trên trang thông tin của bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài viết về chuyển đổi số trong giáo dục nhân dịp học sinh cả nước bước vào năm học mới.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần một hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng hộ gia đình. Hiện nay còn gần 2.000 điểm lõm sóng trên toàn quốc, bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng.

Cuối năm nay, các tỉnh cũng đang phấn đấu mỗi hộ gia đình ít nhất một điện thoại thông minh, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Sang đầu năm 2023 thì 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh.

Trước năm 2025 thì cơ bản mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang siêu băng rộng. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam luôn có giá ưu đãi đặc biệt cho giáo dục từ nhiều năm qua".

Việc dạy và học trực tuyến của học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo trên cả nước sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều nếu được miễn giảm giá cước internet, đặc biệt là giá cước 3G, 4G.

Hiện nay, sau ngày khai giảng, với nhiều khó khăn chủ yếu về thiết bị học tập và đường truyền, nhiều tỉnh, thành đã có quyết định tạm thời không tổ chức dạy học trực tuyến. Theo đó, nhiều học sinh sẽ tạm nghỉ đến ngày 20/9 hoặc sẽ học qua truyền hình cho đến thời điểm phù hợp.

Thủy Tiên (T/h) - Người Đưa Tin