Bộ Quốc phòng: Ngăn việc lợi dụng xăm hình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã trả lời cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị có giải pháp chống lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung: "Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có quy định về việc công dân có hình xăm, chữ xăm trên cơ thể thì không được gọi nhập ngũ; dẫn đến thực tế nhiều trường hợp thanh niên lợi dụng, cố tình xăm hình tại những bộ phận trên cơ thể để không phải đi nghĩa vụ quân sự. 

Kiến nghị Bộ Quốc phòng xem xét có giải pháp chống lợi dụng việc xăm hình để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời bảo đảm nguồn chất lượng công dân nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc".

Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng cho biết, quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội được quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an).

Cụ thể, khoản 9 Điều 5 Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA quy định không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội những trường hợp sau: "Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên".

Như vậy, quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong tuyển chọn công dân nhập ngũ. Vì vậy, quá trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, không để những công dân có hình xăm, chữ xăm với nội dung nêu trên nhập ngũ vào quân đội, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng, xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội.

Những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét, gọi nhập ngũ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số công dân đã lợi dụng quy định này cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển, hoặc sau khi sơ tuyển biết đủ tiêu chuẩn gọi nhập ngũ để nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây dư luận bất bình trong nhân dân.

Để kịp thời góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đã có Công văn số 4142/BQP-TM ngày 05 tháng 11 năm 2020 về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2020; hằng năm chỉ đạo Cục Bảo vệ an ninh Quân đội hướng dẫn chi tiết cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp các bộ liên quan sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.

Đồng Xuân Thuận/Người đưa tin