Chiều 18/4, website của cục An toàn thực phẩm đã đăng cảnh báo về sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân mua trên mạng xã hội. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo. Cục khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường đề nghị thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mất thị lực, tổn thương não vì uống Detox Táo giảm cân
Thông tin từ Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai, mới đây, cơ sở đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể có chứa chất cấm Sibutramine. Bệnh nhân P.T.H (26 tuổi) muốn giảm cân nên đã mua lọ Detox Táo về sử dụng. Lọ sản phẩm có 2 loại thuốc viên giống nhau màu vàng và xanh.
Sau khi sử dụng thuốc được 10 ngày, chị có hiện tượng đau dây chằng, sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn. Đến ngày 28/3, bệnh nhân xuất hiện 2 cơn giảm thị lực nên được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của BV Bạch Mai điều trị. Sau khi chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện hình ảnh tổn thương lồi thể chai.
Khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sĩ được biết chị H. có uống "thuốc" giảm cân có tên Detox Táo. Xét nghiệm loại "thuốc" này phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị H. sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Tại sao Sibutramine bị cấm sử dụng?
Sibutramine (tên thương mại meridia ở Hoa Kỳ, reductil ở Châu Âu và các nước khác), thường là sibutramide hydrochloride monohydrate, là một thuốc dùng đường uống để điều trị béo phì.
Đây là một loại thuốc giảm cảm giác thèm ăn, là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng lại ảnh hưởng xấu tới tim mạch, đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc đột quỵ... Chất này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, có thể dẫn đến nguy hiểm chết người.
Tại Mỹ, sibutramine là chất được kiểm soát theo Bảng IV. Vào năm 2010, chất này bị rút khỏi thị trường Canada và Mỹ do lo ngại thuốc làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim.
Còn tại Việt Nam, từ năm 2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine. Ngày 14/4/2011, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn số 5149/QLD-CL, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine và thu hồi toàn bộ các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine, do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất sibutramine.
Theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Xem thêm: 40 người nhập viện liên quan gạo men đỏ của Kobayashi, Đài Loan có phản ứng quyết liệt
Bảo Linh (t/h)