Trong công văn khẩn do ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục Trưởng cục Quản lý y, dược cổ truyền, gửi sở Y tế Bình Thuận cho biết, thời gian qua, cục Quản lý y, dược cổ truyền đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của báo chí về trường hợp ông Võ Hoàng Yên hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua thông tin tiếp nhận ban đầu, chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên do sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp.
Để có thông tin đầy đủ, chính xác báo cáo lãnh đạo bộ Y tế và cơ quan chức năng, cục Quản lý y, dược cổ truyền cũng yêu cầu sở Y tế tỉnh Bình Thuận kiểm tra, rà soát toàn bộ thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề của ông Võ Hoàng Yên (sau khi tốt nghiệp y sĩ tại Trường trung cấp Tuệ Tĩnh (Thanh Hoá) vào tháng 7/2017, ông Võ Hoàng Yên đã thực hành tại cơ sở nào theo quy định để có đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh vào năm 2018); quá trình hành nghề khám, chữa bệnh của ông Võ Hoàng yên tại tỉnh Bình Thuận và các địa phương khác.
Nhiều năm qua, ông Võ Hoàng Yên (SN 1975) được đồn thổi là "thần y", có khả năng trị được bệnh câm, điếc, bại liệt... nên nhiều người tìm đến điều trị.
Gần đây, ông Võ Hoàng Yên bị tố giác lừa đảo hàng trăm tỉ đồng, dàn dựng cảnh chữa bệnh nan y nhằm đánh bóng hình ảnh, gây chú ý của dư luận.
Ngày 10/3, sở Y tế Bình Thuận đã kiểm tra 2 cơ sở mà ông Võ Hoàng Yên đã từng về công tác khám chữa bệnh sau vụ “lùm xùm” ông này bị tố cáo lừa đảo.
Trước đó, tháng 12/2020, cục Quản lý y, dược cổ truyền cũng đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực y, dược cổ truyền và nêu rõ: Trong thời gian qua, cục Quản lý y, dược cổ truyền tiếp nhận nhiều phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên nền tảng Youtube, facebook tại các địa phương.
Bộ Y tế sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; còn với người đã được cấp rồi, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai thì do cơ sở địa phương quản lý chịu trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ cùng địa phương làm mạnh để quản lý hành nghề y học cổ truyền.