“Tài chính Hiphop” – cách làm giàu mới thế hệ Gen Z?
“Tài chính Hiphop” hay “Tài chính 4.0” là thuật ngữ của 1 nhóm bạn trẻ có độ tuổi trẻ từ 16 đến 25 tuổi đặt ra với mục đích kêu gọi đầu tư tài chính trực tuyến thông qua các sàn giao dịch hay ứng dụng tài chính. Việc lợi dụng cụm từ "Hiphop" trong thuật ngữ này nhằm thu hút các bạn trẻ có phong cách và sở thích về văn hóa Hiphop tham gia.
Những bạn trẻ này chọn đầu tư vào Rosichi – một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option), có thể gọi tắt là Trade BO. Hầu hết các bạn trẻ tham gia Rosichi đều xây dựng hình tượng bản thân là người nhiều tiền, tự lập tài chính, có đôi chút cá tính, hiphop. Hình tượng này rất được lòng giới trẻ hiện nay, đặc biệt là các bạn sinh năm 2000 – 2005 thuộc thế hệ Gen Z.
Sau khi được mời tham gia những buổi event sang chảnh, những party đậm chất hiphop, nhiều Gen Z nhẹ dạ cả tin đã nhanh chóng được mời vào con đường đầu tư tài chính, một bước trở thành những “chiến thần đầu tư”.
Về cách thức hoạt động, Người chơi chỉ cần đặt cược một khoản tiền để dự đoán xu hướng lên/xuống của đồng tiền ảo BTC trong một thời gian nhất định. Nếu dự đoán đúng, người chơi sẽ nhận được tiền (95% lãi), đoán sai sẽ mất toàn bộ tiền đặt cược. Mỗi lần giao dịch tối thiểu là 1$. (Hình thức này gọi là trade)."
Người chơi (là F0) cũng có thể kêu gọi thêm nhiều người gia nhập như mình để kiếm tiền, chỉ cần hai người gia nhập (hai F1) là F0 đã có thể hoàn vốn. Khi mỗi một thành viên là F1 mua quyền đại lý (trở thành thành viên VIP trong nhóm) thì ngay lập tức F0 sẽ nhận được 50$ hoa hồng. Mỗi khi F1 thực hiện bất kể giao dịch gì không kể thắng hay thua thì F0 sẽ nhận được 1% trên tổng khối lượng của giao dịch đấy.
“Đây là thác loạn, không có kiến thức tài chính nào ở đây cả”
Được biết, người đứng đầu hội nhóm OTB Group là L.M.H, sinh năm 1997, người Hà Nội, đang sinh sống tại TP.HCM. Cô gái này cũng là một người nổi tiếng trên mạng xã hội một thời gian dài trước khi trở thành lãnh đạo cấp cao của OTB Group. Nhóm này hoạt động theo mô hình thường thấy của đa cấp biến tướng, tập trung chiêu dụ thành viên tuyến dưới.
Từ tháng 6, những đoạn video của L.M.H xuất hiện tràn ngập mạng xã hội. Không riêng H., nhiều người trẻ khác cũng xây dựng cho mình hình ảnh các bạn trẻ thế hệ Gen Z làm "chuyên gia tài chính". Hiện, tài khoản Tiktok của H. đã có hơn 50.000 lượt theo dõi.
H. thường xuyên làm video về các nội dung liên quan đến tiền số, quảng bá mô hình nhị phân... Một số video của tài khoản L.M.H đạt hơn 2 triệu lượt xem, chia sẻ về cách làm giàu nhờ "đầu tư tài chính".
Bạn P.O, người từng tham gia nhóm đa cấp OTB Group khẳng định: “"Đây là thác loạn. Bạn không thể học được kiến thức tài chính nào ở đây".
Bên cạnh đó, theo một leader có tên T.T từng tham gia khóa học của OTB Group cho biết, các "chuyên gia đào tạo" Gen Z chủ yếu dạy học viên cách xây dựng hình ảnh uy tín, giàu có, tạo niềm tin cho "khách hàng" nhằm giúp các leader mới chiêu dụ thêm nhiều nhà đầu tư khác.
"Họ tập trung việc kêu gọi người tham gia hơn là đào tạo kỹ năng tài chính", cựu thành viên nhóm này chia sẻ.
Về phương pháp giao dịch BO, T. cho rằng các "chuyên gia" Gen Z có vốn kiến thức hạn hẹp và thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy vì họ đang ở độ tuổi rất trẻ, chỉ mới tham gia vào mô hình này cách đây không lâu.
"Sau một tuần, khóa học kết thúc, các đại lý sẽ được cấp tấm bằng vô nghĩa, chỉ có giá trị nội bộ, chứng nhận đã hoàn thành khóa học của OTB Group", T. nói.
Theo chia sẻ trong buổi đào tạo, để mua quyền đại lý và làm thành viên VIP, nhà đầu tư phải bỏ ra 100 USD. Hội nhóm này còn cam kết rằng sẽ bảo hiểm vốn khi trở thành đại lý và được đặc cách tham gia các buổi họp online dành cho thành viên VIP. Đồng thời, người dùng sẽ được hưởng hoa hồng theo 7 cấp, tương tự mô hình đa cấp kim tự tháp.
Theo tìm hiểu, OTB Group thuộc hệ thống sàn Rosichi, sàn giao dịch này thuộc chuỗi Winsbank của Trung Mỹ. Trong dự án đầu tư tiềm năng của Winsbank, sàn Wefinex cũng được lập ra với mục đích đón đầu xu hướng mới. Nhìn lại, cách thức hoạt động của sàn Rosichi hiện cũng tương tự như sàn Wefinex.
Ngày 10/12/2020, Công an TP.HCM đã phát đi thông báo cảnh báo hình thức huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên website Wefinex.net. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương cũng xác định Wefinex có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch như trên.
Từ 2020, mô hình đa cấp nhị phân đã bị cơ quan chức năng, các chuyên gia tài chính, cảnh báo nhiều lần. Tuy vậy, đến hiện tại những cái tên như Wefinex, Pocinex, Deninex… vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cùng Bộ Công Thương, Công an TP.HCM xác định mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và trả thưởng của Wefinex có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong khi đó, cách hoạt động của mô hình nhị phân Wefinex được Công an TP.HCM nhận định tương tự như trò cá cược tài xỉu.
Luật sư Nguyễn Đức Toàn, Đoàn Luật sư TP.HCM thông tin, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp. Đáng lưu ý, nghị định này cũng chỉ ra đối tượng của hoạt động kinh doanh đa cấp chỉ là hàng hóa và cấm mọi hoạt động kinh doanh đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa trong đó có tiền kỹ thuật số.
Han (t/h từ Pháp luật Việt Nam, Zing News) - Người Đưa Tin Pháp Luật