Bơm thẳng tiền mặt hỗ trợ người yếu thế: Được không?

TS.Cấn Văn Lực kiến nghị, cần thêm 29.300 tỷ đồng để hỗ trợ tất cả lao động tự do với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người, ngoài phần hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Đề xuất hỗ trợ tiền mặt cho hơn 29 triệu lao động tự do

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 tới nay, một số gói hỗ trợ an sinh xã hội đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân, nhất là nhóm người yếu thế, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhận định, việc thiết kế gói hỗ trợ và quá trình thực thi còn khó khăn, chậm tiến độ trong khi nhu cầu của người dân là cấp thiết.

Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ ở một số nước tương đồng với Việt Nam (Nigeria, Peru, Sri Lanka, Togo), nhóm tác giả đã đưa ra 5 kiến nghị liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trao đổi với ĐS&PL, TS.Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV chia sẻ: “Mục tiêu của đề tài chúng tôi hướng đến các vấn đề: Đề xuất gói hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải ngân các chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu. Để làm đề xuất trên chúng tôi đã khảo sát ở các nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam.

bom thang tien mat ho tro nguoi yeu the duoc khong 1

TS. Cấn Văn lực đề xuất cần nhanh chóng "bơm thẳng tiền mặt" cho người dân

Về gói hỗ trợ hiện nay chưa đến tay tất cả mọi người, vẫn còn rất nhiều người dân chưa được nhận hỗ trợ. Nội dung của đề xuất chúng tôi có đề cập Chính phủ nên xem xét sớm mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động tự do với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68”.

Theo nghiên cứu của TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, tổng số lao động năm 2020 là 54,6 triệu người, trong đó có khoảng 29,3 triệu người (53,7%) là lao động tự do. Do đó, để thực hiện đề xuất trên cần tới 29.300 tỷ đồng hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong đại dịch Covid-19, chưa bao gồm ngân sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, ông Cấn Văn Lực cho rằng: “Thời điểm này là cơ hội vàng để chúng ta thực hiện, đặc biệt khi phải sống chung với dịch bệnh. Từ nay về sau cần phải chuyển đổi cách giải ngân hỗ trợ. Nếu như trước đây rất khó thuyết phục người dân mở tài khoản trực tuyến, trong hoàn cảnh hiện nay thì ngược lại. Ai không có điện thoại thông minh vẫn có thể triển khai phát tiền mặt, ai có điện thoại thì mở tài khoản, sử dụng mobile money. Hoạt động mobile money cũng đã được Chính phủ cho phép”.

bom thang tien mat ho tro nguoi yeu the duoc khong

Thống kê năm 2020, Việt Nam có hơn 29.000 lao động tự do.

Ngoài ra, chuyên gia bày tỏ: “Chúng ta chưa có thói quen xây dựng cơ sở dữ liệu, cách làm hiện nay còn truyền thống, cần đổi mới sáng tạo, cho nên khi triển khai những chính sách lớn rất lúng túng. Cần tận dụng các nguồn lực như cơ sở dữ liệu của các nhà mạng, danh sách người tham gia bảo hiểm xã hội, danh sách cử tri, công ty điện, nước. Thậm chí từ hóa đơn điện nước chúng ta có thể khảo sát được mức thu nhập của gia đình đó”.

Còn nhiều trở ngại

Trao đổi với ĐS&PL về những giải pháp nêu trên, TS.Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: “Giải pháp bơm thẳng tiền cho người dân là cần thiết, hoạt động này phải được thực hiện ngay khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, còn rất nhiều trở ngại trong quá trình nhận hỗ trợ, có người không được nhận nhưng có người lại được nhận nhiều lần.

Việc giải ngân qua hình thức phi tiền mặt đều có ưu điểm nhưng chúng ta lại gặp khó khăn là không có hệ thống dữ liệu quốc gia, cho nên khi phát tiền cho người dân còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, cơ sở vật chất để chuyển tiền bằng hình thức trực tuyến cũng chưa đầy đủ, người dân không phải ai cũng có điện thoại thông minh hoặc tài khoản ngân hàng”.

Ông Hiếu cũng bày tỏ: “Thời điểm hiện tại, để người dân nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ, cần sử dụng đa dạng hình thức. Vẫn cần phải hỗ trợ chuyển bằng hình thức trực tiếp đối với những ai không có thiết bị hỗ trợ, với người dân đã có tài khoản ngân hàng, hoặc điện thoại thông minh có thể ứng dụng công nghệ. Trong quá trình thực hiện, có thể có sai sót nhưng phải chấp nhận những lỗi đó để đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều được nhận hỗ trợ”.

Trao đổi về mức độ hỗ trợ hiện nay với mỗi người dân, chuyên gia cho biết: “Theo tôi cần hỗ trợ mỗi người không có việc làm 1 triệu/tháng và kéo dài trong 6 tháng. Số tiền này có thể vẫn chưa thấm vào đâu nhưng kết hợp với việc giảm tiền thuê nhà, tiền phí sinh hoạt thì người dân vẫn có thể mua thức ăn, đổ xăng và trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Về vấn đề xác định đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh, ông Hiếu có đưa ra một số giải pháp: “Trường hợp lý tưởng nhất là người dân từ 18 tuổi trở lên đều được nhận hỗ trợ. Khi đó, sẽ không phải kiểm soát việc ai được nhận hỗ trợ hay không.

Cách thứ hai, chỉ cần người dân bị thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ. Đối với phương án này thì vai trò của chính quyền cơ sở rất quan trọng để lập danh sách, khảo sát chính xác những người thất nghiệp trong địa bàn mình quản lý. Điều quan trọng, chính sách cần phải đơn giản nhất, từ đó mới nhanh chóng hỗ trợ được cho người dân”.

Nói về việc người lao động khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ, TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: “Việc một lượng lớn người lao động ở những thành phố lớn trong vùng dịch không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước bởi vì họ tham gia vào các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh tế tư nhân.

bom thang tien mat ho tro nguoi yeu the duoc khong 21

"Các gói hỗ trợ hiện nay là sự chia sẻ của Chính phủ đến người dân", TS.Nguyễn Đức Kiên chia sẻ

Ở đấy họ không được đóng bảo hiểm, doanh nghiệp không mua bảo hiểm cho người lao động, thậm chí không có hợp đồng lao động nên rất khó có căn cứ để được nhận hỗ trợ. Chỉ còn căn cứ duy nhất là giấy đăng ký tạm trú. Ngày thường, có những việc chúng ta không để ý, nên lúc có chuyện xảy ra chúng ta phải hưởng "hiệu quả" của việc đó”.

Chia sẻ thêm về mức độ hỗ trợ của Chính phủ cho người dân hiện nay có quá thấp, ông Kiên bày tỏ: Những gói hỗ trợ hiện nay là sự chia sẻ của Chính phủ đối với người dân trong tình hình dịch bệnh, thực tế hiện nay, ngân sách cũng còn nhiều khó khăn để có thể chi những gói hỗ trợ lớn hơn.

Nguyễn Hoa Trà - Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 4 (số 152)