Buổi sáng dùng món ăn “nhà nghèo” này có thể ngừa ung thư, làm thêm 1 bước trước khi nấu càng bổ

CTV
Khoai lang có nhiều chất dinh dưỡng giúp chống lại các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư túi mật...

Khoai lang là loại củ rẻ tiền và từng được xem là món ăn của dân nghèo thời xưa để giúp cứu đói. Tuy được xem là món của người nghèo nhưng khoai lang được giới y học rất ca ngợi. Tổ chức Y tế Thế giới xếp khoai lang vào top 10 loại rau củ tốt nhất. Đặc biệt nhiều nghiên cứu cho thấy khoai lang có khả năng chống lại ung thư. 

Khoai lang là thực phẩm ngừa ung thư hàng đầu

Khoai lang là thực phẩm chống ung thư nổi tiếng, đặc biệt là chất β-caroten trong khoai lang, có nhiều tài liệu cho rằng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư ruột kết. Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Quốc gia của Mỹ, chỉ cần bạn ăn 100 gam khoai lang, bí ngô và cà rốt mỗi ngày (có nghĩa là bổ sung tối đa 100 gam cả ba loại), bạn có thể ngừa ung thư phổi. 

Cơm độn khoai lang là món ăn cứu đói của dân nghèo Việt Nam xưa. (Ảnh minh họa)

Khả năng ngăn ngừa ung thư của khoai lang là nhờ 3 chất có trong nó: protease, chất chống oxy hóa và carotenoid.

Năm 1931, một loại protein độc đáo được phát hiện trong khoai lang. Hóa ra 80% protein trong khoai lang là  chất protease có khả năng chống ung thư. Trong các thí nghiệm, loại protein này đã thể hiện được khả năng chống ung thư lưỡi, ung thư đại trực tràng và ung thư túi mật. Mặc dù chỉ là những nghiên cứu trong ống nghiệm nhưng nó cho thấy tiềm năng của khoai lang trong việc ngừa ung thư. 

Ngoài ra, màu sắc cam tươi sáng của khoai lang là do chúng chứa nhiều hợp chất gọi là carotenoid. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư của Mỹ, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng carotenoid hoạt động như chất chống oxy hóa và hỗ trợ kiểm soát sự phát triển của tế bào, điều đó có nghĩa là chúng giúp giảm nguy cơ ung thư. Trong các nghiên cứu ở người, ăn nhiều thực phẩm có carotenoids có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thấp hơn. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn chế độ ăn nhiều beta-carotene - được tìm thấy chủ yếu trong các loại rau màu cam và rau lá xanh - giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ruột kết và dạ dày.

Khoai lang cũng cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư. Anthocyanin - một nhóm chất chống oxy hóa có trong khoai lang tím - đã được phát hiện là có tác dụng làm chậm sự phát triển của một số loại tế bào ung thư trong các nghiên cứu trên ống nghiệm, bao gồm cả tế bào bàng quang, ruột kết, dạ dày và vú.

Khoai lang tím chứa chất chống oxy hóa anthocyanin làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. (Ảnh minh họa)

Ngoài những chất dinh dưỡng trên, khoai lang còn đặc biệt giàu chất xơ, vitamin A, C, axit pantothenic, B6 và khoáng chất. Nếu bạn là người có sở thích ăn vặt nhưng các đồ ăn vặt thường nhiều đường, muối không có lợi cho sức khỏe, bạn có thể chuyển sang ăn khoai lang vừa đỡ cơn thèm ăn lại giúp giải độc và tốt cho sức khỏe. 

Tốt nhất nên ăn khoai lang vào buổi sáng, không nên ăn khoai lang vào buổi chiều

Bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc Yu Yawen cho rằng ăn khoai lang cũng phải phù hợp với quy luật làm việc và nghỉ ngơi, tốt nhất nên ăn khoai lang vào buổi sáng, vì 7 giờ đến 9 giờ là thời điểm vàng để dạ dày hấp thụ chất dinh dưỡng. Buổi trưa, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ kém đi, đường rất dễ tích trữ sẽ gây ra gánh nặng cho cơ thể. Vì vậy, nếu bạn có thể ăn khoai lang vào buổi sáng, ruột non có thể hấp thụ hơn 90% hiệu quả của nó.

Bên cạnh đó, nên ăn khoai lang hấp thay vì luộc hoặc nướng. Khoai lang luộc dễ bị mất những chất dinh dưỡng hòa tan trong nước còn khoai lang nướng nếu bị cháy xém có thể sản sinh chất gây ung thư, không có lợi. Do đó, hấp khoai lang có thể giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất.

Ngoài ra, nếu muốn kiểm soát đường hoặc tăng cơ giảm mỡ thì nhớ để khoai lang vào ngăn đá trước khi hấp. Cách làm này để tinh bột trong khoai lang có cơ hội hình thành tinh thể và trở thành tinh bột kháng - loại có tỷ lệ tiêu hóa và hấp thụ thấp hơn tinh bột thông thường. Vì loại tinh bột này tiêu hóa chậm nên có thể kéo dài cảm giác no, mặt khác tránh làm tăng đường huyết nhanh chóng ở những người cần kiểm soát lượng đường trong máu.

Ăn khoai lang vào buổi sáng và ăn hấp sẽ đạt hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất. (Ảnh minh họa)

Tránh ăn khoai lang với quả hồng

Bác sĩ Yu Yawen cũng nhắc nhở rằng không nên ăn khoai lang với quả hồng, bởi vì trong quả hồng có chứa tanin và pectin, đường có trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, tăng tiết axit dịch vị và phản ứng với nó, dẫn đến kết tủa, đông tụ lại có thể gây sỏi dạ dày, thậm chí gây xuất huyết tiêu hóa hoặc loét dạ dày ở những trường hợp nặng.