Ngày 24//5/2021, tại trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lào Cai, diễn ra cuộc đấu giá các tài sản của BVĐK Lào Cai (gọi tắt là chủ tài sản). Trong đó có hạng mục “đấu giá cho thuê địa điểm kinh doanh dịch vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, diện tích 321,0 m2, mục đích sử dụng làm Căng tin bếp ăn”. Nhiều tổ chức, đơn vị muốn được tham gia đấu giá một cách bình đẳng, minh bạch, nhưng có một điều mà hầu hết người tham gia đấu giá đều “đọc” trước được kết quả. Bởi tiêu chí lựa chọn người tham gia đấu giá mà mà chủ tài sản đưa ra chỉ phù hợp được với một người tham gia đấu giá duy nhất…
Tiêu chí của cuộc đấu giá đưa ra để lựa chọn nhà thầu được trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lào Cai ban hành là chỉ các tổ chức (công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã) mới được tham gia đấu giá. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu “có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật” thì người tham gia đấu giá còn phải “đáp ứng đầy đủ’ hàng loạt năng lực chuyên môn: Năng lực pháp lý; Năng lực tài chính; Năng lực kinh nghiệm; Năng lực nhân sự thực hiện dịch vụ. Đáng nói, trong đó, có một số tiêu chí hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bếp ăn căng tin.
Theo quy chế lựa chọn người tham gia đấu giá mà trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lào Cai không đưa ra: “Nhà thầu phải chứng minh có doanh thu bình quân tối thiểu 5 tỷ đồng/năm”. Một số đại diện người tham gia đấu giá cho rằng, đây là một yêu cầu phí lý, vì để khai thác căng tin một bệnh viện tỉnh tại sao phải chứng minh tài chính doanh thu 5 tỉ đồng/năm? Năng lực tài chính của một tổ chức là nguồn tiền và các tài sản của họ sở hữu chứ đâu phải là doanh thu? Nếu một đơn vị kinh doanh có doanh thu lớn nhưng không có lợi nhuận, hoặc tổng dư nợ các nguồn nợ lớn hơn khối tài sản của họ thì đâu phải năng lực tài chính tốt? “Doanh thu hàng năm của đơn vị thì có liên quan gì đến việc khai thác căng tin bệnh viện mà đưa vào làm tiêu chí lựa chọn?” – Một đại diện người tham gia đấu giá bức xúc.
Một đại diện người tham gia đấu giá khác phản đối: Một tiêu chí lựa chọn người tham gia đấu giá là chứng minh năng lực về kinh nghiệm, ngoài việc cần “có tối thiểu 03 hợp đồng tương tự” với các cơ sở y tế hạng I trở lên, quy chế cuộc đấu giá còn thêm điều kiện về bằng cấp đối với quản lý, đầu bếp, nhân viên của tổ chức tham gia đấu giá phải có trình độ “trung cấp nấu ăn” đến “đại học chuyên ngành tiết chế dinh dưỡng trở lên”???
Khó hiểu hơn là tiêu chí lựa chọn người tham gia đấu giá là tất cả nhân viên phải được cấp chứng chỉ về giao tiếp trong môi trường bệnh viện. Tìm hiểu từ nhiều cơ sở đào tạo và ngay cả một số đơn vị đang khai thác căng tin trong bệnh viện, chưa tìm thấy một nhân viên nào được cấp loại chứng chỉ này; Phóng viên không tìm thấy đơn vị nào có chức năng đào tạo và cấp loại chứng về giao tiếp trong môi trường bệnh viện?
Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Việc đưa ra những tiêu chí ngoài phạm vi yêu cầu của nội dung đấu giá thì đơn vị tổ chức đấu giá quyền khai thác căng tin BVĐK tỉnh Lào Cai đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu giá 2016. “Khoản 3 Điều 38 của Luật đất giá tài sản 2016 quy định rõ: “Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá” – Luật sư Nguyễn thanh Hoàng nêu dẫn chứng.
Ông Phạm Ngọc Nghĩa – Giám đốc trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lào Cai cho biết: Các tiêu chí lựa chọn tổ chức trúng đấu giá là nội dung mà chủ tài sản (BVĐK tỉnh Lào Cai - PV) đề ra và được ký trong hợp đồng với đơn vị tổ chức đấu giá. Vậy các tiêu chí đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Nếu không phù hợp thì tại sao Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản vẫn chấp nhận “theo lao” để ký hợp đồng? thì ông Phạm Ngọc Nghĩa chưa có câu trả lời!
Cũng theo ông Nghĩa, chủ tài sản là BVĐK tỉnh Lào Cai còn “cẩn thận” thẩm định từng hồ sơ của các tổ chức đăng ký tham gia đấu giá. Lẽ nào BVĐK tỉnh Lào Cai không tin tưởng năng lực tổ chức đấu giá của trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Lào Cai? Hay Trung tâm Dịch vụ đấu giá Lào Cai chỉ là “bù nhìn”, ký hợp đồng tổ chức đấu giá cho đủ quy trình?
Luật sư Nguyễn Phương Việt - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Việc tổ chức đấu giá tài sản ban hành thêm rất nhiều điều kiện đối với người tham gia đấu giá tài sản, ngoài quy định của pháp luật là vi phạm khoản 3 Điều 38 Luật đấu giá tài sản, quy định về điều kiện tham gia đấu giá.
Đối với tổ chức đấu giá tài sản, căn cứ các quy định tại: Khoản 1 Điều 33 Luật đấu giá tài sản năm 2016; Theo quy định Điều 513, 514 Bộ luật dân sự 2015. Khi ký kết Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, các bên tự ý thêm điều khoản quy định các điều kiện hay yêu cầu ngoài quy định của pháp luật, đối với người tham gia đấu giá nhằm “Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá”. Việc cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá là vi phạm quy định tại Điểm c, khoản 2 Điều 9 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định về Các hành vi bị nghiêm cấm.
Đối với chủ tài sản, căn cứ các quy định tại: Điểm a Khoản 3 Điều 57 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định về Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê; Theo Điểm a Khoản 3 Điều 46, Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Khoản 6 Điều 24, Khoản 1 Điều 47 Luật đấu giá tài sản năm 2016. Chủ tài sản chỉ có quyền giám sát toàn bộ quá trình tổ chức việc đấu giá, việc BVĐK tỉnh Lào Cai tham gia, tác động vào quá trình đấu giá tài sản, cụ thể là đưa ra rất nhiều điều kiện, yêu cầu đối với người tham gia đấu giá tài sản (trong đó có những yêu cầu trái quy định của pháp luật) là vượt quá quyền của người có tài sản đấu giá được nhà nước cho phép”. Vì vậy, cần xem xét việc hủy kết quả đấu giá tài sản đối với phiên đấu giá quyền khai thác căng tin BVĐK tỉnh Lào Cai.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật