Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiều trẻ sinh non, mắc bệnh lý nền đã được tiêm dự phòng Palivizumab trong tháng 4, thời điểm dịch bệnh RSV diễn biến phức tạp, ghi nhận hiệu quả tích cực. Đơn cử như hai bé sinh đôi nhờ thụ tinh ống nghiệm Nguyễn Đăng Khôi và Nguyễn Minh Khôi, 2 tháng tuổi, sinh non lúc 26 tuần, cân nặng lúc sinh lần lượt là 750 gram và 800 gram.
Bé Đăng Khôi tiền sử loạn sản phế quản phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp, chảy máu phổi, trong khi bé Minh Khôi vừa có loạn sản phế quản phổi, vừa mắc tim bẩm sinh (còn ống động mạch). Các bé sau sinh được chăm sóc đặc biệt (NICU), nuôi dưỡng trong lồng ấp, gắn máy thở không xâm lấn, đã được chỉ định tiêm Palivizumab khi đủ điều kiện sức khỏe.
Trẻ sinh non được theo dõi chặt chẽ sau tiêm kháng thể đơn dòng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau tiêm, bé được theo dõi chặt chẽ và ghi nhận ổn định, không phản ứng bất thường. Các trường hợp này cho thấy vai trò thiết yếu của tiêm dự phòng sớm trong bảo vệ nhóm trẻ nguy cơ cao trước dịch bệnh RSV.
Palivizumab là kháng thể đơn dòng IgG1κ do AstraZeneca nghiên cứu và phát triển, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép từ năm 1998. Thuốc hoạt động theo cơ chế miễn dịch thụ động, đưa trực tiếp kháng thể vào cơ thể. Sau đó, chúng liên kết với protein F trên bề mặt virus RSV, giúp ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của virus.
Trẻ sinh non được tiêm kháng thể đơn dòng Palivizumab tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tiêm kháng thể đơn dòng được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, từ đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc tới theo dõi sau tiêm cho nhóm trẻ sinh non, mắc bệnh nền, dưới sự phối hợp của các bác sĩ chuyên ngành Nhi và Sơ sinh.
161 nghiên cứu trong 20 năm cho thấy việc sử dụng Palivizumab giúp giảm 68% nguy cơ nhập viện ở trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi, giảm 65% ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng huyết động và giảm 53% ở trẻ bị loạn sản phế quản phổi, đồng thời đảm bảo an toàn, ít phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.
Theo khuyến cáo, nhóm trẻ cần tiêm dự phòng RSV bằng Palivizumab gồm trẻ sinh non ≤ 35 tuần và dưới 6 tháng tuổi khi bắt đầu mùa RSV; trẻ dưới 2 tuổi mắc loạn sản phế quản phổi cần điều trị y tế trong 6 tháng gần đây; trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có rối loạn huyết động.
Palivizumab được khuyến nghị tiêm bắp liều 15mg/kg, mỗi tháng một lần trong suốt mùa dịch RSV - thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau ở miền Bắc và từ tháng 5 đến tháng 11 ở miền Trung, miền Nam. Sau tiêm, kháng thể hiện diện trong máu chỉ sau 2 - 3 ngày, giúp trẻ được bảo vệ tức thì mà không cần chờ thời gian tự tạo miễn dịch.
Kháng thể đơn dòng Palivizumab giúp phòng ngừa lây nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Hậu, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ nhỏ. Virus có thể lây lan mạnh qua giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 3,6 triệu ca nhập viện và khoảng 100.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do RSV.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết: "Trẻ càng nhỏ tuổi, đặc biệt trẻ sinh non hoặc có bệnh nền như tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi, nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng do RSV càng cao. Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, xẹp phổi, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí tử vong."
Ước tính, trẻ sinh non có nguy cơ viêm phổi nặng do RSV cao gấp 3,2 lần so với trẻ đủ tháng; trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng nguy cơ nhập viện từ 2,7 - 5 lần; còn trẻ loạn sản phế quản phổi nguy cơ tăng từ 12,8 - 20 lần so với bình thường. Khi mắc bệnh, những trẻ này có nguy cơ cao phải nhập viện, điều trị hồi sức tích cực và hỗ trợ thở máy. Tình trạng này có thể trì hoãn phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh, gia tăng biến chứng ở trẻ sau phẫu thuật tim.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh do RSV gây ra. Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là hỗ trợ chống suy hô hấp, nâng cao thể trạng và giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Toản, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, với nhóm trẻ nguy cơ cao, cần dự phòng miễn dịch chủ động và thụ động song song để bảo vệ hiệu quả. “Việc kiểm soát bệnh phần lớn dựa vào các phương pháp dự phòng thụ động như giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc gần với trẻ, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và bề mặt… Tuy nhiên, những biện pháp này chưa đủ, đặc biệt với nhóm trẻ nguy cơ cao. Thực tế có hơn 50% ca nhập viện do RSV xảy ra trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ xuất viện sau sinh”, BS Nguyễn Văn Toản cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu dự phòng lây nhiễm RSV cho trẻ, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang triển khai tiêm nội trú và ngoại trú kháng thể đơn dòng cho nhóm trẻ nguy cơ cao. Chiến lược này kỳ vọng sẽ góp phần ngăn ngừa lây nhiễm RSV một cách chủ động, an toàn, kịp thời, giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện, biến chứng nặng và tử vong do virus RSV ở trẻ em.