Sinh con được cho là cách gắn kết tình cảm vợ chồng nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra rạn nứt mối quan hệ. Sau khi sinh con, người vợ thay đổi cả về tinh thần và thể chất, người chồng thì cảm thấy bị bỏ rơi.
Sau khi sinh, vợ sa sút tinh thần
“Sau ngày sinh, tôi vừa khóc vừa gọi điện cho chồng”.
Asami Yokota (38 tuổi), sống ở thành phố Kawasaki, đã rơi vào trạng thái tinh thần không ổn định sau khi sinh con trai. Chỉ trong một cuộc hội thoại hết sức bình thường với chồng về đặt tên cho con, chị Asami cũng có thể bật khóc nức nở khi nghe những cái tên chồng mình đề xuất. Tâm lý bất ổn tiếp tục leo thang khi chị Asami bị viêm tuyến vú.
Asami ngày nào cũng vừa chăm con dỗ con vừa phải chăm sóc gia đình, trong khi cuộc sống của chồng cô vẫn duy trì như trước kia. Sau một lần chồng cô, anh Toshiyuki (40 tuổi) trở về nhà lúc đêm khuya, say khướt sau bữa tiệc cưới anh vừa tham dự, Asami đã sụp đổ.
“Anh có thể tiếp tục sống giống như trước khi sinh con, nhưng em đang gặp rất nhiều khó khăn với những thay đổi trong cuộc sống của mình. Em không thể chịu thêm được nữa!", Asami khóc.
Chính sự cô đơn khi ở nhà một mình chăm con và sự thiếu quan tâm từ người chồng khiến nhiều phụ nữ không thể vượt qua được tình trạng tâm lý bất ổn sau sinh nở.
Sau khi sinh con, lượng nội tiết tố nữ giảm mạnh
Không hiếm phụ nữ sau sinh rơi vào tình trạng tinh thần bất ổn. Ông Takeda, một giáo sư của Khoa Sản và Phụ khoa tại Đại học Juntendo giải thích về những thay đổi trong cơ thể phụ nữ trước và sau khi sinh con.
“Để mang thai cần tới một lượng lớn nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone. Estrogen thường được tạo ra trong buồng trứng, nhưng nó không đủ trong thời kỳ mang thai nên cần nhận thêm từ nhau thai. Estrogen tiết ra lúc này cao gấp khoảng 50 đến 100 lần so với khi chưa mang thai”.
Tuy nhiên, trong vòng 30 phút sau khi sinh, nhau thai được đào thải ra khỏi cơ thể, lượng estrogen sản xuất trong cơ thể giảm mạnh. Ông Takeda cho biết: “Chính điều này đã dẫn tới sự mất cân bằng hormone xảy ra sau khi sinh con".
Estrogen không chỉ có vai trò quan trọng trong quá trình mang thai và sinh nở mà còn có ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận trên cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt, nó có ảnh hưởng lớn đến chất dẫn truyền thần kinh “serotonin” trong não, ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của phụ nữ sau sinh.
Khi chức năng của serotonin giảm trong vòng hai tuần sau sinh, các sản phụ thường mắc phải triệu chứng “maternity blues”, còn được gọi là “trầm cảm sau sinh”. Triệu chứng sẽ phát triển trong vài tuần đến vài tháng sau sinh.
Nguyên nhân khởi phát thường là do:
- Sự tích tụ của căng thẳng khi mang thai, bất ổn tài chính, lo lắng về sức khỏe của con.
- Gánh nặng về thể chất: hồi phục không tốt sau sinh của người mẹ và mệt mỏi tích tụ do thiếu ngủ.
- Thiếu hụt quan tâm từ người chồng, ảnh hưởng lớn tới tình cảm vợ chồng.
“Sự chủ động của chồng" là thiết yếu
Những thay đổi xảy ra trên cơ thể người phụ nữ sau khi sinh con là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có cách để giảm tình trạng tinh thần không ổn định của sản phụ sau sinh.
Mikito Tsurugi (38 tuổi), một nhạc sĩ kiêm họa sĩ truyện tranh, và vợ - Kyoko (35 tuổi), một nhà viết tiểu luận, đã sống sót sau thời kỳ sinh con bằng 3 cách sau đây:
1. Tìm hiểu kỹ lưỡng những điều cần chú ý từ khi lên kế hoạch có con
Để giảm những nguy cơ đáng tiếc trong quá trình mang thai và hạ sinh cũng như giúp phụ nữ ổn định tâm trạng sau sinh, việc đầu tiên anh Tsurugi làm là thu thập thông tin về cuộc sống sau khi sinh con và những thay đổi tâm sinh lý. Anh và vợ cũng tích cực tham gia vào những lớp học địa phương tổ chức về cuộc sống gia đình.
"Tôi được biết rằng, nếu vợ không hài lòng với chồng trong tháng đầu tiên sau khi sinh con thì sự không hài lòng đó sẽ tiếp tục trong suốt quãng đời còn lại của cô ấy”, anh Tsurugi chia sẻ.
Hai vợ chồng cần phải thảo luận trước khi sinh con, chẳng hạn như lịch vợ đi làm trở lại, kế hoạch sinh hoạt sau khi vợ đi làm và những việc cần làm nếu con không thể vào nhà trẻ.
2. Thường xuyên trò chuyện vui vẻ với vợ
3. Chồng cần "thông cảm" thay cho lời khuyên, động viên
Người chồng nên chia sẻ với vợ cảm giác lo lắng khi mang thai và thảo luận thường xuyên sau khi sinh con để vợ không ôm đồm thay đổi một mình. Chồng cần lắng nghe câu chuyện của vợ và chủ động trong việc chăm lo con cái và đỡ việc nhà.