Trong bối cảnh dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) đang được thảo luận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra 2 phương án liên quan đến việc rút Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một lần cho người lao động tham gia BHXH bắt buộc. 2 phương án được đưa ra để tiếp tục thu thập ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Phương án một, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm có thể được rút BHXH một lần. Tuy nhiên, sau khi Luật có hiệu lực, người lao động không được phép rút BHXH một lần nữa.
Phương án hai, cũng sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, họ cũng có thể rút BHXH một lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Phần còn lại sẽ được bảo lưu để tiếp tục tham gia BHXH và hưởng các chế độ sau này.
2 phương án này áp dụng cho người lao động bình thường, nhưng các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư... vẫn được rút BHXH một lần.
Hiện tại, dự luật không áp dụng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng này không được rút BHXH một lần. Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đề xuất những quy định này cần được đánh giá thận trọng bởi người lao động cần rút BHXH một lần vì quá khó khăn, phải trang trải nợ nần hay chạy chữa bệnh tật.
Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy số lượng lao động nữ rút BHXH một lần luôn cao hơn so với lao động nam. Điều này có thể lý giải dưới góc độ giới, khi phụ nữ thường phải chịu trách nhiệm mang thai, sinh con và phần lớn đảm nhận các công việc chăm sóc gia đình mà không nhận được sự trả công. Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời đại diện của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng: "Thực tế này buộc không ít phụ nữ phải lựa chọn rút khỏi hệ thống bảo hiểm".
Bà Ngô Thị Liên, đại diện Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội nhấn mạnh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét tác động của chính sách không cho rút BHXH một lần đối với an sinh xã hội của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn lời đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cả 2 đều chưa có độ chín, đều còn có những hạn chế, vì vậy, cần tiếp tục bàn sâu hơn về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nhận định phương án 1 là “chưa thấu hiểu nhân dân, chưa thấu hiểu người đóng bảo hiểm; có những trường hợp nghèo khổ lắm, chỉ cần một vài triệu đồng đã quý, nên phải xem xét lại quy định này xem như thế nào”. Còn phương án 2 cũng gây phản cảm cho người đóng bảo hiểm, vì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50%, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, nhưng không biết bảo lưu đến bao lâu mới được hưởng.
Vấn đề này sẽ được tiếp tục thảo luận và xem xét cẩn thận từ các cơ quan liên quan, với mục tiêu tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Xem thêm: Sử dụng CCCD kiểu này sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng, nhiều người vô tình làm sai
Bảo Linh (t/h)