Cán bộ đi chơi golf khi giãn cách: Trách nhiệm nêu gương bị “bỏ quên”

“Sự việc xảy ra ở Bình Định là thực sự đáng tiếc! Các cán bộ đó không nêu gương, trái với quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm nêu gương", ĐBQH Nguyễn Văn Hòa nêu quan điểm.

Pháp luật là “không có vùng cấm”

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định đã giãn cách xã hội địa bàn toàn tỉnh trong thời gian 15 ngày, kể từ 6h ngày 1/8/2021. Trong lúc mọi người dân phải chấp hành nghiêm túc, ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, việc ông Nguyễn Văn Dũng (Giám đốc sở Du lịch tỉnh Bình Định) và ông Nguyễn Công Thành (Phó Cục trưởng cục Thuế tỉnh Bình Định) đi chơi golf trong thời gian tỉnh Bình Định đang thực hiện giãn cách xã hội là vi phạm các quy định có liên quan đến phòng chống dịch.

Trước vụ việc khiến dư luận bức xúc, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nêu ý kiến: “Dịch bệnh ở Việt Nam chúng ta hiện nay đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị một cách kịp thời và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội rất quyết liệt... Có chấp hành nghiêm giãn cách, mỗi người tự nâng cao ý thức phòng dịch mới dần phục hồi kinh tế, xã hội và trả lại cuộc sống bình thường trước đây.

1sangolf-1628258442.jpg
Ảnh chỉ có tính minh hoạ. 

Muốn như vậy, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự đồng lòng, quyết chí của người dân. Trong đó, các cán bộ phải nêu gương cho toàn dân noi theo.

Trong khi người dân chấp hành tốt, mà mình là cán bộ công chức, người hưởng lương của Nhà nước, người ta nói là “công bộc” của dân, vậy tại sao lại hành động như vậy khiến người dân thấy phản cảm?”.

“Sự việc xảy ra ở Bình Định là thực sự đáng tiếc! Các cán bộ đó không nêu gương, trái với quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm nêu gương.

Thông tin tôi nắm được: Tổng cục Thuế đã đình chỉ chức vụ của Phó Cục trưởng cục Thuế, còn về phía Giám đốc sở Du lịch chắc chắn cũng sẽ có hướng xử lý tương tự.

dbqh-pham-van-hoa-1628258478.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, giữa thời điểm dịch bệnh như hiện nay, đang trong lúc nhiều người dân còn phải ở trong khu phong tỏa... Vậy mà cán bộ lại có thể thờ ơ, thoải mái, vô tư đi chơi... Tôi cho rằng đây là những cán bộ không xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Xiểm (nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ: “Đang trong một cao trào chống dịch, mà Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định “chống dịch như chống giặc”, thì bất kỳ ai cũng phải chấp hành nghiêm túc những quy định. Mà đã là cán bộ Đảng viên, lãnh đạo đứng đầu Sở, ban, ngành... như vậy thì lại càng phải gương mẫu, ở đây cán bộ lại không gương mẫu mà đi chơi thể thao, lại làm những chuyện như vậy. 

Quyết định đình chỉ hay xử lý như thế nào từ tổ chức có thẩm quyền thì tùy thuộc ở tổ chức xem xét mức độ, hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên, với câu chuyện xảy ra như vậy thì rất phản cảm, rất khó được chấp nhận!”.

9-1628258562.jpg
Theo ông Phan Xuân Xiểm, pháp luật là “không có vùng cấm”, phải xử lý thật nghiêm các cán bộ này.

“Đối với những trường hợp đã là cán bộ, phải có trách nhiệm nêu gương mà còn vi phạm, thì một là do nhận thức của họ không đúng, và thứ hai là do ý thức rèn luyện của một cán bộ, Đảng viên là chưa được. Những cán bộ ấy không phải chỉ làm gương cho dân, mà còn phải làm gương cho đồng nghiệp tại cơ quan, cho các cán bộ dưới quyền,... 

Trước nay, cũng từng đã có rất nhiều bài học, như “làm loạn” tại các chốt kiểm dịch, hay chống đối người thi hành công vụ,... có nhiều rồi, chứ không phải là chưa từng có... và cũng đã phải xử lý nghiêm túc. Bởi vì, pháp luật là “không có vùng cấm” và không phải “kiêng nể” ai hết, phải bình đẳng. Hơn nữa, là vai trò cán bộ lãnh đạo thì trách nhiệm càng phải được đề cao”, ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.

Đi chơi golf lúc giãn cách, trở thành F1 là tình tiết tăng nặng

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) phân tích: “Trường hợp 2 cán bộ này đi chơi golf trong thời gian tỉnh Bình Định đang thực hiện giãn cách xã hội, đã vi phạm các quy định có liên quan đến phòng chống dịch, không những thế, việc trở thành F1 của nhân viên sân golf là tình tiết tăng nặng trong vi phạm thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc chịu các hình thức kỷ luật cán bộ công chức với hình thức cao nhất “Giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc” thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hành chính, mức phạt cao nhất có thể lên đến 40.000.000 đồng đối với mỗi người”.

3-luat-su-nguyen-cao-dat-1628258690.jpg
Luật sư Nguyễn Cao Đạt cho rằng, 2 cán bộ chơi golf giữa thời điểm giãn cách mà để trở thành F1 là tình tiết tăng nặng.

“Giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế đất nước còn khó khăn, tất cả các chiến sĩ, y bác sĩ… tuyến đầu đang cùng nhau ra sức phòng chống dịch; mà 2 cán bộ ở tỉnh vẫn đi chơi golf là điều phản cảm, lại còn để trở thành F1, là nguy cơ có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Đó là điều không thể chấp nhận.

Tôi cho rằng, chính quyền địa phương cần xem xét, xử lý theo đúng quy định, thể hiện thái độ cương quyết, cứng rắn nhằm giáo dục, răn đe và làm gương cho những cán bộ, công chức, viên chức khác”, vị luật sư nhấn mạnh thêm.

Về hình thức xử lý tại cơ quan, tổ chức làm việc đối với các cán bộ này, luật sư Nguyễn Cao Đạt chỉ ra: Theo Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong đó có quy định rõ:

“1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật...”.

Và Điều 11 nghị định trên quy định hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

“1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;

3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.”.

Ngoài hình thức xử lý kỷ luật trên. Hành vi này còn bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức:

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.          

Về hình thức xử phạt hành chính:

Theo Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19:

“Mức phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tố chức)”.

Tuệ Linh