Mới đây, tại chốt trực phòng chống dịch Covid-19 số 14 của Công an thành phố Hà Nội tại km7+200 đường Hoà Lạc – Hòa Bình (thôn 5, xã Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội), tổ công tác phát hiện xe taxi Sông Đà BKS 28A-071.98 lưu thông về trung tâm Hà Nội đã ra tín hiệu dừng xe kiểm tra.
Lúc này, chiếc xe dừng lại cách xa chốt kiểm soát, Nguyễn Văn Phi (SN 1992, trú tại Hải Dương) bước xuống chửi tục và yêu cầu mở chốt. Chưa dừng lại đó, Phi cầm viên gạch ném thẳng về phía chốt kiểm soát.
Trước sự việc này, luật sư Ngô Thạnh – thuộc Công ty luật The Light (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Về mặt khách thể, hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Phi đã xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ, cụ thể là lực lượng công an đang làm nhiệm vụ tại chốt trực phòng chống dịch Covid-19 số 14. Thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
Về mặt khách quan, đối tượng Phi đã có hành vi chửi bới, ném gạch về phía chốt kiểm soát, cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là yêu cầu mở chốt để cho đối tượng được lưu thông.
Như vậy, hành vi của đối tượng Phi có dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ.
Theo Điều 330, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;… thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Luật sư Thạnh nói thêm: “Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu TNHS về các tội cố ý gây thương tích, tội giết người…”.
Ngoài hành vi chửi bới, ném gạch về phía chốt kiểm soát, qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện trên xe taxi đang chở 2 tượng Phật Di Lặc nghi làm bằng gỗ quý không có hoá đơn chứng từ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật gia Nguyễn Thanh Tú (Hòa Bình) cho hay: Theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
“Như vậy, cơ quan chức năng cần thiết phải làm rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như giá trị món hàng, để từ đó áp dụng biện pháp xử phạt thích hợp”, luật gia Tú nói.
Nguyễn Thị Thúy - Người Đưa Tin Pháp Luật