Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy từ Nga sang Đức có thể hoạt động hay không là câu hỏi được dư luận vô cùng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Mới đây, ngày 7/2, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, nếu Nga đưa xe tăng quân sự vượt qua biên giới Ukraine, thì Washington sẽ dừng hoạt động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức), mặc dù đường ống này hiện chưa được đi vào hoạt động.
Biện pháp trừng phạt này của Mỹ có thể sẽ gây ra căng thẳng về vấn đề năng lượng ở châu Âu. Điện Kremlin (Nga) có thể sẽ cắt nguồn cung khí đốt từ Moscow sang các nước châu Âu khác, những nơi đang sử dụng hơn 45% lượng khí tự nhiên từ đây.
Tỷ lệ nhập khẩu khí đốt rất khác nhau theo từng quốc gia trong liên minh
Hiện tại, Nga cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua nhiều đường ống dẫn khác nhau đi qua những quốc gia như Ba Lan và Ukraine. Dự án Nord Stream 2 là một dự án đường ống đưa trực tiếp khí tự nhiên từ Nga sang Đức qua biển Baltic mà không cần phải đi qua bất kỳ quốc gia nào. Nếu dự án này không được thực hiện, thì đó không chỉ là vấn đề của riêng Nga mà còn là của cả những nước châu Âu còn phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng khí đốt.
Trong năm 2020, trong số những nền kinh tế lớn của châu Âu thì Đức cần nhập khẩu đến gần 50%, trong khi Pháp chỉ cần 24% lượng khí đốt từ Nga. Ý cũng là nước có thể sẽ phải chịu thiệt hại lớn trong cuộc khủng hoảng về năng lượng này bởi sự lệ thuộc vào Nga đến 46% lượng khí đốt trên cả nước.
Tuy nhiên, Bắc Macedonia và Phần Lan mới là những quốc gia chịu tổn thất nhiều nhất bởi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga : trong đó, tỷ lệ nhập khẩu khí tự nhiên ở Bắc Macedonia là 100% và ở Phần Lan là 94% (dựa theo số liệu thống kê vào năm 2020 của Cơ quan hợp tác Quản lý Năng lượng Châu Âu - ACER).