Du lịch biển đem lại cho chúng ta cảm giác sảng khoái, thoải mái. Ảnh minh họa
Mùa hè là lúc nhiều người lên kế hoạch cho những chuyến đi xa, đặc biệt là du lịch biển. Việc được tận hưởng làn gió mát từ biển, hít thở bầu không khí trong lành và đằm mình dưới làn nước trong xanh sẽ khiến bạn cảm thấy giải tỏa hết những mệt nhọc.
Tuy nhiên có rất nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn khi đi du lịch biển và có thể gây hại tới bạn và gia đình. Hãy cùng tìm hiểu để có thể nhanh chóng tìm ra phương pháp phòng tránh các loại rủi ro phá hủy chuyến du lịch đáng nhớ của bạn hè này nhé.
1. Nguy cơ "chạm trán" với giun biển
[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2018/06/13/ret-bien.mp4[/presscloud] |
Video xuất hiện rết biển tại Vũng Tàu. Video Không sợ chó.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội đang truyền nhau thông tin về loài rết biển, hay còn gọi là giun biển, chuột biển xuất hiện một cách dày đặc tại các vùng biển ở Vũng Tàu. Khách du lịch liên tục chia sẻ những đoạn clip ghi lại sự xuất hiện của vô số các con sâu biển xuất hiện trên các bãi cát trong thời gian 1 tháng trở lại đây.
Được biết, loài giun biển thường xuất hiện nhiều vào mùa sinh sản. Loài này có hình dạnh bên ngoài giống với con rết, có cơ chế gây ngứa bằng các lông trên cơ thể giống như của con sâu. Khi chạm phải những con giun biển, nhất là tại các vùng da mỏng, nhạy cảm, chúng ta có thể bị rộp và ngứa. Với những người dễ bị dị ứng, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn và thậm chí là phải vào viện để xử lý.
Vì vậy, để tránh nguy cơ "chạm trán" phải loài giun biển này, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên cẩn thận khi đi tắm biển. Chú ý quan sát và tuyệt đối tránh xa những loài sinh vật lạ, tránh vì tò mò mà rước họa vào thân.
Nếu lỡ như bị chạm phải giun biển, bạn cần nhanh chóng rửa sạch chỗ tiếp xúc bằng nước biển, sau đó sử dụng các loại thuốc chuyên khoa da liễu do bác sĩ chỉ định. Nếu lo lắng sẽ gặp phải giun biển, bạn cũng có thể tới gặp bác sĩ để mua một số loại thuốc phòng chống côn trùng cắn để có thể xử lý kịp thời, tránh phá hỏng chuyến đi du lịch đáng nhớ của mình.
2. Nguy cơ bị bỏng và say nắng khi đi biển
Tắm biển lâu dễ dẫn tới tình trạng bỏng nắng hoặc say nắng. Ảnh minh họa
Do các bãi biển thường rất hiếm bóng mát, đồng thời cát biển thường có màu trắng và phản chiếu ánh mặt trời nên khả năng da bị tiếp xúc và hư tổn bởi các tia nắng cao hơn bình thường nhiều lần. Nếu tiếp xúc thường xuyên các tia cực tím từ mặt trời, có thể gây đột biến gene trong các tế bào da và dẫn đến ung thư da.
Để bảo vệ cơ thể khỏi các tia có hại có trong ánh nắng mặt trời cũng như các mối đe dọa mắc phải bệnh ung thư da, người đi biển cần nhớ luôn phải thoa kem chống nắng, nên ở trong bóng râm, nên có áo khoác lên người khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Nếu gặp tình trạng say nắng, cần cởi bớt quần áo ngoài và làm mát bằng cách chườm vải, khăn thấm nước lên nạn nhân. Nghoài ra, bạn có thể dùng quạt để làm mát, liên tục theo dõi tình hình nạn nhân. Cách tốt nhất là gọi hoặc nhờ người tìm trợ giúp y tế để được chăm sóc đúng cách.
Để tránh say nắng, khi đi du lịch bạn nên uống nhiều nước, không nên ngồi giữa trời nắng quá lâu và giảm bớt những hoạt động ngoài trời giữa ngày hè nóng nực.
3. Nguy cơ bị sứa cắn
Những con sứa có nọc độc trên xúc tu của mình, khiến con người có thể bị ngứa khi chạm phải. Ảnh minh họa
Sứa là loài động vật không có xương sống, thường sống ở biển hay những ơi nước mặn. Trong người những con sứa còn sống có chứa rất nhiều độc tố, khiến chúng ta có thể bị dị ứng khi chạm phải chúng.
Độc tố của loài động vật này thường tập trung chủ yếu ở các xúc tu, và chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này thường rất nhỏ và có độc tính. Một vài loài sứa còn có tới hàng triệu tế báo châm trong các xúc tu. Tế bào này sẽ được sử dụng khi những con sứa bắt mồi hay khi chúng cần tự vệ.
Khi không may chạm vào hay bị sứa cắn, các độc tố sẽ ngấm qua da của chúng ta và xâm nhập vào trong cơ thể. Nếu nhẹ, nạn nhân sẽ chỉ có những phản ứng ngoài da, nổi mẩn đỏ, ngứa nhiều và đôi khi là thấy rát. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá lo lắng bởi tình trạng này sẽ biến mất trong thời gian ngắn.
Ở những người bị nhiễm độc tố nặng, bệnh nhân có thể cảm thấy đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng, bị tiêu lỏng nhiều lần, mạch đập nhanh, yếu, tụt huyết áp,... Khi thấy bệnh nhân có những triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện để chống sốc phản vệ có thể xảy ra.
Bệnh nhân bị sứa cắn có thể bị mẩn ngứa, phồng rộp trên bề mặt da. Ảnh minh họa
Ở thể cấp hay bán cấp, khi chạm phải sứa thì sau khoảng 15 phút, nạn nhân sẽ có cảm giác ngứa râm ran ở bàn tay, bàn chân. Bề mặt da sẽ nổi ban đỏ từng vùng, mề đay toàn thân, tim đạp nhanh đều, huyết áp hạ xuống thấp, ho khan, khó thở, thở khò khè. Lúc này, thanh quản của nạn nhân sẽ bị phù lên gay ra khó thở. Bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi, cảm thấy buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Với những trường hợp này thì cần phải cho bệnh nhân tới bệnh viện ngay để được hồi sức và chống sốc.
Để có thể xử lý một cách kịp thời những triệu chứng nhẹ khi chạm phải sứa hay bị sứa cắn thể nhẹ, bạn nên đem theo một vài loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh và một chai dấm để xử lý vết thương một cách chủ động. Khi xuống nước tắm, nếu thấy cơ thể bị ngứa thì cần lập tức lên bờ, kiểm tra xem có phải là bị sứa cắn không để có những biện pháp điều trị kịp thời.
4. Những mầm bệnh nguy hiểm có trong đồ hải sản, đồ ăn tái sống
Hạn chế ăn các loại đồ sống trong các chuyến du lịch biển
Khi đi du lịch biển, chúng ta thường được giới thiệu và mời thưởng thức rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ những nguyên liệu sống, những loại hải sản đặc trưng của vùng biển đó. Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc thật kĩ trước khi sử dụng, bởi những loại đồ ăn này dù ngon tới mấy cũng đem theo nguy cơ không an toàn với sức khỏe của chúng ta.
Các món gỏi cá, thịt sống chính là nơi chứa nhiều mầm bệnh của nhiều loại tác nhân gay ra các bệnh đường tiêu hóa. Ăn gỏi cá có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh sán lá gan nhỏ; ăn nem thính có nguy cơ mắc bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn; ăn các loại hải sản nấu chưa chín có thể khiến bạn mắc bệnh tiêu chảy và làm ảnh hưởng tới cả chuyến đi du lịch.
Khi đi du lịch hay đi tới những vùng có các loại món ăn lạ, việc chọn các thức ăn được nấu chín sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Với những người có bụng dạ yếu, dễ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa cần hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn món ăn, tránh ăn các loại đồ ăn lạ một cách tùy tiện. Ngoài ra, để phòng tránh bệnh, bạn nên mua dự trữ men tiêu hóa hoặc thuốc trị tiêu chảy đem đi để phòng tránh những cơn đau bụng bất ngờ.
Thu Hằng tổng hợp