Chậm báo cáo giao dịch chứng khoán, cổ đông của ACM bị phạt nặng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vuwag ban hành quyết định xử phạt bà Lê Thị Yến Ngọc - Cổ đông lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (HNX: ACM) do báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.

Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 246/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Yến Ngọc (địa chỉ: Nam Thịnh, Ninh Sơn, Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).

Theo quyết định, bà Ngọc bị phạt tiền 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) theo quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm a khoản 4 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

luu-y-5-dieu-nay-neu-bi-phat-1706143554-1633653112.jpg
Bà Lê Thị Yến Ngọc bị phạt 30 triệu đồng

Cụ thể, bà Lê Thị Yến Ngọc đã có hành vi vi phạm hành chính: Công bố thông tin không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết hoặc khi không còn là cổ đông lớn.

Ngày 24/12/2020, bà Lê Thị Yến Ngọc đã mua vào 1.000.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (mã chứng khoán: ACM) dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch lớn hơn 5% số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của ACM (6,19%). Ngày 29/12/2020, bà bán 1.157.700 cổ phiếu ACM dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch giảm xuống dưới 5% số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của ACM (3,92%). Tuy nhiên, ngày 01/02/2021, sở giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được văn bản giải trình và công bố thông tin ngày trở thành cổ đông lớn, ngày không còn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường của bà Ngọc.

Nguồn tin từ tạp chí Thương Trường cho biết, khoáng sản Á Cường hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại không chứa sắt như quặng nhôm, đồng, chì, kẽm, thiếc… trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Năm 2015, Khoáng sản Á Cường niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội với quy mô vốn 510 tỷ đồng. Đây cũng là năm doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận cao đột biến. Tuy nhiên, sau đó tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này lại liên tục sa sút.

Năm 2020, công ty không có doanh thu và lỗ ròng 55 tỷ đồng, do chi phí doanh nghiệp và chi phí tài chính, trong khi năm 2019 có lãi 204 triệu đồng. Năm 2017, 2018, doanh nghiệp này cũng lỗ lần lượt 27 tỷ đồng và 82,8 tỷ đồng. Năm gần nhất Khoáng sản Á Cường có lãi là 2016 với gần 8,7 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, ACM cho biết dịch bệnh Covid-19 khiến các chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam để thực hiện chạy máy và lưu thông hàng hóa. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.

ACM tiếp tục không có doanh thu trong quý II/2021 và cả 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, ACM vẫn phải chịu chi phí tài chính hơn 2 tỷ đồng trong quý 2 và hơn 4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. ACM còn phải chịu các chi phí vận hành mặc dù không có doanh thu.

Vì thế, ACM lỗ ròng nửa đầu năm gần 8 tỷ đồng, tăng lỗ so cùng kỳ, do lỗ từ hoạt động khác gần 3 tỷ đồng. Riêng quý 2, Công ty lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng, do có lợi nhuận khác hơn 1 tỷ đồng.

Nhiều năm thua lỗ lớn, cổ phiếu ACM đang trong diện kiểm soát tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu rất lớn. Nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Số lượng cổ phiếu khớp lệnh bình quân 5 phiên gần nhất là hơn 1,6 triệu cổ phiếu/phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 7/10, cổ phiếu ACM tăng nhẹ 200 đồng lên mức 3.800 đồng/cp.

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã đăng ký bán toàn bộ hơn 5 triệu cp ACM (9,81%) đang nắm giữ trong thời gian 30/9-29/10.