Nhìn mâm cơm mà mẹ chồng chuẩn bị, tôi đã hiểu được giá trị của 3 đứa cháu nội trong mắt bà.
Ảnh minh họa
Dịp 30/4 này là ngày lễ lớn của dân tộc nên vợ chồng tôi quyết định đưa các con về quê thăm ông bà chứ không đi du lịch như mọi khi. Biết được ý định này của bố mẹ, 3 đứa trẻ nhà tôi có cũng háo hức lắm, đã khoe với mọi người suốt mấy ngày trước là sẽ về quê chứ không ở lại thành phố.
Để không chịu cảnh tắc đường nên gia đình tôi quyết định xuất phát từ lúc 5h sáng. Vậy nhưng chúng tôi cũng không tránh được "kiếp nạn" khi dòng người đổ về quê quá đông. Thành ra chỉ đi 150 cây số nhưng chúng tôi cũng phải mất 4 giờ đồng hồ di chuyển trên đường.
Khi về tới nhà cũng là gần 9h sáng, một lúc sau gia đình chị chồng cũng đã có mặt tại nhà ông bà. Gia đình chị chồng tôi cũng ở đó cách 50 cây số, nghe tin chúng tôi về nên sang sum họp. Mải mê thu dọn đồ đạc và trò chuyện với mọi người, tôi quên mất việc chuẩn bị bữa trưa.
May quá tới lúc hỏi, mẹ chồng đáp:
- Không phải lo, mẹ đi chợ từ sớm, chuẩn bị hết rồi. Mấy mẹ con bác cháu rửa chân tay rồi vào ăn cơm.
Thấy mẹ vui vẻ nên tôi cũng không đắn đo, gọi các con chuẩn bị vào mâm. Thế nhưng khoảnh khắc nhìn thấy mâm cơm mà mẹ chồng đãi vợ chồng và các con mà tôi sững sờ.
Ảnh minh họa
Vì nhà đông con cháu nên mẹ chồng tôi chuẩn bị tươm tất 2 mâm, trên đó toàn là những món ngon như cua, ốc, bề bề hấp và rang muối, mực ống to hấp và chiên xù... Đó toàn là những đặc sản vùng miền quê chồng tôi do gần biển.
Ngoài những món hải sản đó thì có 1 bát canh cua rau đay và 1 đĩa trứng chiên. Kể ra thì chắc mọi người sẽ thấy vô cùng thịnh soạn, khen nức nở mẹ chồng tôi chu đáo và biết chăm sóc con cháu.
Vậy nhưng tôi lại cảm thấy buồn biết bao khi nhìn thấy 2 mâm bàn ăn lớn như vậy.
Câu nói của mẹ chồng khiến cơn giận của tôi trở nên đỉnh điểm. Mẹ chồng tôi tất bật bưng thêm đồ ăn từ dưới bếp lên, miệng nói không ngừng:
- Chẳng mấy khi nhà mình sum họp, bà đãi các cháu toàn món đặc sản quê mình nha. Đứa nào không ăn được thì cũng mà cố cho ăn hết đấy.
Sau câu nói đó của mẹ chồng, tôi lặng lẽ gọi 3 đứa con ra ngoài, xách hành lý ra đường bắt xe lên lại thành phố. 3 đứa trẻ thấy mặt mẹ "tối sầm" nên cũng chỉ dám làm theo mệnh lệnh mà không ho he gì. Chúng xì xầm về những điều tôi cũng đang nghĩ.
Ảnh minh họa
Ngồi trên xe, tôi nhắn cho chồng một tin nhắn báo rằng 3 mẹ con tôi đã quay lại thành phố. Anh lập tức gọi điện cho tôi hỏi nguyên nhân, được thể, tôi nói thẳng:
- Anh nhìn mâm cơm mẹ chuẩn bị là đủ biết bà đặt các cháu ở địa vị như thế nào trong lòng rồi đó. Em và các con đều dị ứng hải sản nặng, thậm chí các con có lần ngộ độc phải nhập viện. Điều đó cả nhà đều biết, mẹ cũng biết nhưng tại sao hôm nay mẹ lại còn cố tình làm mâm cơm toàn hải sản, chỉ có món trứng rán là em và các con có thể ăn được.
Em biết lâu nay mẹ vẫn luôn quý những cháu ngoại, lúc nào cũng yêu chiều cháu ngoại hơn cả, cái gì cũng cho cháu ngoại nhưng lần này, dẫu sao mẹ cũng nên công bằng một chút chứ.
Nửa năm nay, các cháu mới về một lần, lặn lội đường xa đến cả 150 cây số. Thật sự khi nhìn thấy mâm cơm đó, em đã không còn chút cảm tình nào nữa rồi. Vậy nên để không làm mất không khí của cả nhà, em đưa con đi trước, anh ở lại sau lễ thì lên cũng được.
- Em đừng cố chấp như thế có được không, mẹ biết việc em và các con bị dị ứng hải sản nhưng có lẽ nay mẹ vui quá nên quên mất điều đó. Em có thể nói ra để bữa sau mẹ chuẩn bị khác được mà.
- Vậy bữa nay các con em ăn trứng với cơm rồi nhìn các anh chị ăn hải sản hả?
Tôi cúp máy điện thoại, dừng xe bên đường cho các con ăn trưa và quyết sẽ không cho các con về lại quê nội lần nào nữa.
Tâm sự từ độc giả haivan...