Chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận của Fecon dù doanh thu khởi sắc

Quý I/2023, dù doanh thu tăng trưởng 21% so với cùng kỳ nhưng Fecon lãi vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng, song con số này đã tiến xa so với mức lỗ 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, qua đó cho thấy kết quả kinh doanh dần có dấu hiệu khởi sắc sau một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý I/2023, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Fecon ghi nhận 609 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng 17% giúp công ty có lãi gộp đạt 122 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mảng thu tài chính của công ty lại có phần ảm đạm khi ghi nhận giảm phân nửa so với cùng kỳ về 5,7 tỷ đồng. Trước bối cảnh đó Fecon lại đang phải chịu áp lực lớn khi chi phí lãi vay tăng cao lên hơn 66 tỷ đồng trong tổng số 69 tỷ đồng chi phí tài chính.

Tiết giảm được một phần nhỏ chi phí bán hàng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp cùng chi phí tài chính lại nối đuôi tăng trưởng đã bào mòn ít nhiều lợi nhuận của công ty.

Kết quả, Fecon chỉ thu về hơn 2,8 tỷ đồng tiền lãi sau thuế trong cả quý I/2023, dù không nhiều nhưng đây vẫn là con số tích cực bởi cùng kỳ năm 2022, Fecon đang lỗ tới 6,6 tỷ đồng.

Giải trình về sự chênh lệch này, công ty cho biết đầu năm 2022, giá vốn một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của Covid-19.

Tới năm nay, biến động của giá nguyên vật liệu và nhân công đã được doanh nghiệp phản ánh trong giá chào thầu, ký hết hợp đồng với chủ đầu tư, nhà thầu chính, từ đó biểu hiện trực tiếp qua kết quả kinh doanh của công ty.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Fecon đã thông qua kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 140% so với năm trước. Với kết quả đạt được trong quý I, doanh nghiệp xây dựng mới thực hiện được 16% kế hoạch doanh thu và 2% mục tiêu lợi nhuận, cách xa so với kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Fecon đạt 7.872 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn nằm nhiều tại các khoản phải thu (3.393 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.638 tỷ đồng).

Nợ phải trả của Fecon tại thời điểm cuối quý I/2023 ghi nhận tăng 6,8% lên 4.376 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản. Các khoản nợ tăng truởng chủ yếu ở khoản vay nợ tài chính, đạt 3.050 tỷ đồng, công ty không thuyết minh rõ các khoản vay trên.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong quý I/2023 Fecon đã phải chi tới  621 tỷ đồng để chi trả nợ gốc vay và 23 tỷ đồng để trả nợ thuê tài chính.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hiện Fecon còn khoảng 112 tỷ đồng dư nợ trái phiếu trên thị trường với 2 lô trái phiếu FCNH2123001 và FCNH2223001 phát hành giữa năm 2021 và 2022, cả 2 lô trái phiếu trên đều sẽ đáo hạn trong năm 2023.

Chia sẻ tại đại hội thường niên năm 2023 của công ty, đại diện Fecon, bà Nguyễn Thị Nghiên - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính cho biết các biến động của thị trường trái phiếu không tạo ra ảnh hưởng xấu tới Fecon, bởi khoản vay trái phiếu đang phục vụ cho hoạt động sản xuất và các điều khoản mua lại mang tính định kỳ, do đó phù hợp với dòng tiền kinh doanh của công ty.

Điều khiến lãnh đạo Fecon lo lắng hơn cả là chi phí tài chính. Năm 2022, chi phí tài chính rất lớn đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của công ty. Dự kiến sang năm 2023, chi phí tài chính vẫn là một vấn đề không dễ giải quyết.

Tuy vậy, lãnh đạo Fecon cho biết đang cố gắng tìm kiếm những nguồn tài chính tốt hơn nhằm thay thế cho những khoản vay có lãi suất cao, đơn cử như việc thông qua đối tác chiến lược Corio Generation để có được vốn vay từ phía Nhật Bản.