Choáng ngợp trước cảnh tượng hàng tỷ con đom đóm thắp sáng cả khu bảo tồn

Hàng tỷ con đom đóm đồng thời phát sáng khiến cả khu bảo tồn thiên nhiên ở Ấn Độ sáng rực trong đêm.

Sriram Murali là một nhiếp ảnh gia kiêm kỹ sư phần mềm, ngoài ra anh còn là một chuyên gia trong lĩnh vực ô nhiễm ánh sáng và đom đóm. Tháng 4/2022, nhiếp ảnh gia này đã cùng nhân viên Khu bảo tồn hổ Anamalai ở Tiruppur, Tamil Nadu (Ấn Độ) vào rừng để quan sát và ghi lại cảnh tượng những con đom đóm cùng lúc phát sáng.

“Thế giới phát quang sinh học Pandora trong bộ phim Avatar có thể là hư cấu nhưng hiện tượng này thực sự xảy ra tại Khu bảo tồn hổ Anamalai. Vào mùa hè hàng năm, hàng nghìn con đom đóm đồng loạt phát sáng vào ban đêm, khiến khu bảo tồn rừng nguyên sinh này trở thành một tấm thảm xanh lục”, bản ghi chép của nhóm cho hay.

Nhóm quan sát chia sẻ thêm: “Những đốm sáng bắt đầu từ một thân cây sau đó dần lan tra khắp khu rừng trong suốt cả đêm. Một số cây đung đưa trong ánh sáng, làm nổi bật hình dáng cây giữa đêm tối. Mỗi cái cây dường như phát sáng theo một kiểu khác nhau. Toàn bộ khu rừng sáng rực trong ánh sáng xanh và vàng”.

choang ngop truoc canh tuong hang ty con dom dom thap sang ca khu bao ton

Cả khu rừng sáng rực trong đêm nhờ hàng tỷ con đom đóm phát sáng cùng lúc.

Khoảnh khắc hàng tỷ con đom đóm đồng loạt thắp sáng Khu bảo tồn hổ Anamalai đã được Sriram nhanh tay ghi lại. Nhiếp ảnh gia này đã sử dụng kỹ thuật phơi sáng lâu để khắc họa số lượng đom đóm cực lớn trong từng khung hình.

Được biết, trên thế giới có khoảng 2.000 loài đom đóm nhưng chỉ một số ít có khả năng phát sáng cùng lúc. Các cơ quan phát sáng riêng của loài côn trùng này nằm ngay dưới phần thân có tác dụng hấp thụ oxy, sau đó sử dụng những tế bào đặc biệt kết hợp nguyên tố này với hợp chất phát sáng có tên luciferin để tạo ra ánh sáng đặc trưng.

Quá trình sản xuất ánh sáng nói trên được cho là đạt hiệu quả 100% mà không tạo ra phụ phẩm. Ánh sáng sinh học được đom đóm đực sử dụng như một tín hiệu giao phối để thu hút đom đóm cái.

Theo nhóm nghiên cứu, số lượng đom đóm cái ở khu rừng có thể tương đương với số đom đóm đực nhưng chúng không phát sáng, có khả năng không có cánh, dành cả đời sống như một ấu trùng và ăn những loại côn trùng thân mềm khác.

choang ngop truoc canh tuong hang ty con dom dom thap sang ca khu bao ton1

Cảnh tượng hiếm gặp khiến ai nấy choáng ngợp.

Đom đóm trưởng thành chỉ sống được khoảng vài tuần, ăn mật hoa và phấn hoa. Hàng tỷ con đom đóm tập trung trong khu rừng cho thấy một hệ sinh thái khỏe mạnh. Việc thiếu ánh sáng nhân tạo, du lịch ban đêm, các công trình xây dựng đập nước, dân cư cư trú và sự chuyển động của các phương tiện đã gia tăng số lượng đom đóm tại đây.

Trước đó, hiện tượng đom đóm đồng loạt phát sáng đã được các nhà khoa học tại Khu bảo tồn hổ Anamalai phát hiện hai lần, vào năm 1999 và năm 2012. Các nhà khoa học đã xác định đom đóm thuộc giống Abscondita nhưng có khả năng là một loài mới.

“Cần phải nghiên cứu chi tiết và giải trình từ ADN để xác định đúng loài. Những con đom đóm có màu nâu với các sọc đen, mắt tròn với các hoa văn phức tạp, dài chưa đầy 1cm. Các quần thể đom đóm đang giảm trên toàn thế giới, những cảnh tượng kỳ diệu hiếm thấy này cần được lưu giữ cho các thế hệ tương lai”, nhóm nghiên cứu cho hay.