Mới đây, Sở GTVT Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn (Trường Đại học GTVT) xây dựng xong đề án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Mục tiêu của đề án để giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Theo phương án được đơn vị tư vấn lập danh sách, hầu hết các vị trí lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu gồm: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5h đến 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Về lộ trình triển khai, đơn vị tư vấn đề án cho biết, có ba giai đoạn, gồm: Từ năm 2021 - 2025: nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; Từ năm 2025 - 2030: xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Nói về tính khả thi của đề xuất lập 87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội nhằm giảm lượng xe ô tô đi vào thành phố, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Ô tô Việt Nam cho biết: "Thực ra việc lập trạm thu phí để giảm ô tô chỉ là một phần thôi, và có lẽ các cơ quan ban ngành của thành phố sẽ còn phải nghiên cứu rất nhiều mới có thể triển khai vào thực tế. Nếu mục đích thu phí để giảm lượng xe ô tô thì điều kiện quan trọng và tiên quyết nhất, theo tôi, đó là Hà Nội phải xây dựng được một hệ thống vận tải công cộng tương đối phát triển. Tôi nói ví dụ như tàu điện hoặc xe buýt ít nhất phải đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại thì mới có thể nghĩ đến việc thu phí để lượng giảm xe ô tô đi vào nội đô".
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Ô tô Việt Nam nhận định với hạ tầng và tình hình giao thông hiện tại của thủ đô, đề xuất lập 87 trạm thu phí như trên là "hơi sớm, chưa thể đáp ứng được các điều kiện cần và đủ". Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, qua các thông tin đăng tải trên báo chí, việc thu phí ô tô đi vào nội đô có thể làm nảy sinh ra bất cập về chủ trương.
"Nếu như Hà Nội chỉ thu phí để giảm lượng xe ô tô thì liệu phải chăng xe máy sẽ tăng lên, mà như vậy thì lại trái ngược với chủ trương hạn chế xe máy mà thành phố đang nghiên cứu. Vấn đề ở đây là mọi đề xuất phải đồng bộ, tránh chồng chéo nhau", ông Quyền phân tích.
Theo ông Quyền, không nên thu phí với xe chở hàng hóa, vận tải khách vì các phương tiện này đã không được vào nội đô giờ cao điểm, nếu phải trả phí lưu thông vào giờ thấp điểm thì sẽ thành lạm thu, trong khi đây là các phương tiện phục vụ kinh doanh của người dân.
Ông Quyền cũng cho biết cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đã triển khai việc thu phí vào nội độ, tuy nhiên cũng phải xét đến các yếu tố đặc thù của từng quốc gia. "Mình nhìn vào các nước đã thu phí nhưng cũng phải xem trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của họ như thế nào, tỷ lệ sử dụng các phương tiện công cộng của họ ở mức nào, như ở nước ta người dân vẫn chủ yếu đi xe máy. Nói chung theo tôi muốn thu phí như đề xuất thì phải nghiên cứu và nỗ lực chuẩn bị nhiều hơn nữa", ông Quyền nói.
Hiếu Nguyễn - Khánh Ngân/ Người Đưa Tin