Sự chuyển mình của giáo dục vùng cao

Với mong muốn nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc cập nhật những xu hướng công nghệ mới, Ban Giám hiệu trường THPT Thanh Sơn và THPT Thanh Thủy đã chủ động phối hợp ban tổ chức chương trình để tổ chức buổi hướng dẫn AI miễn phí dành cho toàn thể giáo viên. Đây được xem là một bước đi thiết thực trong việc hỗ trợ đội ngũ sư phạm tiếp cận những công cụ hỗ trợ giảng dạy hiện đại, đồng thời cũng thể hiện rõ định hướng phát triển lâu dài của nhà trường: thúc đẩy đổi mới, cập nhật ngay từ bên trong.

Chương trình không chỉ tạo điều kiện để giáo viên nâng cao năng lực cá nhân, mà còn khơi mở tư duy tiếp cận công nghệ một cách thực tế và phù hợp với đặc thù giảng dạy tại địa phương.
Từ ứng dụng thực tiễn đến thay đổi tư duy
Chương trình diễn ra trong hơn hai giờ đồng hồ với sự hướng dẫn trực tiếp của cô Đào Thị Thúy Hằng – người sáng lập dự án “Lòng Biết Ơn”. Đồng hành cùng cô là thầy Bùi Anh Vũ và cô Phạm Lê Phương Anh hai giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm triển khai AI trong giáo dục

Không khí lớp học sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên. Các thầy cô được giới thiệu và thực hành trực tiếp với những công cụ như Chat GPT, Gemini AI, Gamma, Copilot, Hey Gen… Nhiều người lần đầu tiếp xúc với công nghệ trong đó có những thầy cô ở thế hệ 7X nhưng đã nhanh chóng nắm bắt thao tác, tự mình tạo giáo án, trò chơi tương tác, biểu mẫu kiểm tra đánh giá, làm video cho cá nhân mình và video cho bài giảng để học sinh hứng thú hơn thông qua các bài học.

Đặc biệt, một hoạt động khiến các thầy cô thích thú là phần hướng dẫn tạo hình ảnh và video bằng AI. Việc nhìn thấy sản phẩm trực quan do chính mình tạo ra khiến nhiều giáo viên cảm thấy ngạc nhiên và hào hứng. Có thầy cô còn đề xuất đưa hoạt động này vào tiết học để tạo sự hứng khởi trong tiết học cho học sinh.
Khi công nghệ không còn là rào cản
Sau buổi đào tạo, nhiều giáo viên chia sẻ rằng AI không những giúp họ tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài mà còn mở ra nhiều cách tiếp cận sáng tạo hơn trong giảng dạy. Việc xây dựng hoạt động học tập trở nên linh hoạt và gần gũi hơn với học sinh.

AI không thay thế vai trò của người thầy, nhưng lại trở thành “trợ thủ đắc lực” trong quá trình chuyển hóa kiến thức, truyền cảm hứng và nâng cao trải nghiệm học tập. Điều quan trọng nhất, là giáo viên không còn xem công nghệ là điều gì đó phức tạp hay xa lạ – mà đã sẵn sàng làm chủ nó, ngay trong chính lớp học của mình.
Đổi mới bắt đầu từ người thầy
Chương trình tại Thanh Sơn và Thanh Thủy khép lại nhưng dấu ấn của nó không nằm ở slide trình chiếu hay công cụ AI nào, mà chính là tinh thần học hỏi, sự cởi mở và quyết tâm thay đổi của đội ngũ nhà giáo.Và AI, nếu được tiếp cận và sử dụng đúng cách, sẽ là một “trợ thủ đắc lực” trong hành trình ấy.