Từ chủ tiệm hoa người phụ nữ bống chốc trở thành kẻ tình nghi vì làm bó hoa bằng tiền do một khách sộp yêu cầu.
Câu chuyện hy hữu của cô Bành, một chủ cửa hàng hoa ở Cù Châu, Chiết Giang, Trung Quốc.
Cách đây không lâu cô Bành nhận được yêu cầu từ một vị khách hàng yêu cầu làm một chiếc hộp trang trí bằng hoa và 33.700 nhân dân tệ (khoảng gần 111 triệu đồng) tiền mặt.
Để lấy được lòng tin cô Bành vị khách sộp đã mạnh tay chuyển khoản 1 lần số tiền trên. Do số tiền tương đối lớn cô Bành mới vui vẻ nhận đơn.
Cô nhanh chóng đến ngân hàng rút tiền, làm hộp quà theo yêu cầu của khách, sau đó gửi đến địa chỉ được chỉ định.
Vài ngày sau, ngân hàng của cô Bành thông báo tài khoản của cô đã bị đóng băng. Ban đầu, cô nghĩ đó chỉ là sự bất thường của hệ thống ngân hàng. Không ngờ qua một tuần, thẻ vẫn bị ngừng hoạt động, nhân viên ngân hàng khuyên cô đến đồn cảnh sát để được tư vấn.
Nghe theo lời tư vấn viên, cô Bành tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ thì nhận được thông tin cô đang bị điều tra vì liên quan đến những nghi vấn liên quan đến đường dây rửa tiền.
Choáng váng với tai họa từ đâu rơi xuống, chủ tiệm hoa khẳng định bản thân kinh doanh chân chính bấy lâu nay, chưa bao giờ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền. Cố nhớ lại, cô mới nghĩ đến đơn hàng trị giá 33.700 nhân dân tệ mới đây. Hoá ra, kẻ rửa tiền đã lợi dụng tài khoản ngân hàng của cô Bành để lấy tiền mặt.
Theo cảnh sát, tội phạm rửa tiền thường ưu tiên mua những sản phẩm phổ biến và đề xuất chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bên bán. Khoản tiền mà bên bán nhận được thực chất là tiền ăn trộm. Qua kiểu mua bán này, người bán vô tình trở thành "đồng phạm rửa tiền" của bọn lừa đảo, đồng thời bị phong tỏa tài khoản.
Tại Việt Nam trào lưu tặng những bó hoa bằng tiền với các mệnh giá khác nhau cũng trở thành trào lưu phổ biến, nhất là vào các dịp lễ Tình nhân 14/2, Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay ngày 20/10.
Nhiều hộ kinh doanh và cửa hàng kinh doanh hoa có ý tưởng sử dụng tiền để làm hoa phục vụ khách hàng. Khi những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để tập hợp thành "bó hoa tiền" đẹp mắt đã khiến nhiều khách hàng ưa chuộng bởi giá trị của chúng.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền để làm hoa đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt lưu ý đối với các hành vi gây hư hỏng, làm rách tiền
Thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở một số hộ kinh doanh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ tiền Việt Nam.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các hành vi gây hư hỏng, làm rách khiến cho tiền không có giá trị lưu thông hay khó khăn trong việc kiểm, đếm.
Được biết, trong quá trình kết hoa, nếu sử dụng vật nhọn và những chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dẫn đến rách, biến dạng và ảnh hưởng việc lưu thông tiền tệ.
Thường thì trong quá trình làm hoa tiền, khách hàng muốn dính tốt hơn, để lâu hơn nên người bán phải sử dụng keo dính tốt nhưng về sau có bất tiện là khi gỡ ra thì tiền dễ bị rách.
Theo Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, có 4 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Căn cứ vào Khoản 3, Điều 31, Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng quy định mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam và có thể bị tịch thu tang vật phương tiện theo quy định. Trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thùy Dung (T/h)