Từ ngàn đời nay, “tôn sư trọng đạo” vẫn là nét đẹp văn hóa, là truyền thống tốt được truyền qua bao thế hệ người Việt Nam. Nghề giáo luôn được tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Những người thầy trong sự nghiệp trồng người đã từng góp sức không nhỏ vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Trong thời kỳ hội nhập, biết bao thế hệ thầy cô giáo cũng đang từng ngày viết tiếp lịch sử hào hùng của dân tộc. Với kỷ nguyên công nghệ số, thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn không ngừng học tập, đổi mới phương pháp dạy và học để phù hợp hơn với thời đại. Trên mọi miền của Tổ quốc, dù là nơi thành thị hay chốn thôn quê, dù đồng bằng hay miền núi, những người “gieo cái chữ” vẫn ngày đêm giữ vững niềm yêu nghề để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Mỗi năm, ở vào thời điểm cận kề ngày 20/11 – ngày tôn vinh nhà giáo Việt Nam, câu chuyện về những người thầy, người cô đang mỗi ngày miệt mài trong sự nghiệp trồng người lại khiến chúng ta phải xúc động, biến ơn và dành những tình cảm tri ân tốt đẹp nhất. Và trong số hàng trăm, hàng ngàn những câu chuyện, có lẽ kỳ tích đáng nể mà cô giáo Mường - Hà Ánh Phượng làm được là một trong những hành trình đáng tự hào của ngành giáo dục Việt Nam.
Cách đây hơn 2 năm, ngày 11/11/2020, lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam ghi nhận một thành tích vô cùng ấn tượng khi cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ lọt top 10 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation bầu chọn. Cô là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foudation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc. Vào tháng 3, cô là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục.
Nhìn lại chặng đường để được vinh danh ở một giải thưởng ví như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới, có thể thấy cô Hà Ánh Phượng thực sự được sinh ra để làm nghề giáo viên cao quý.
Cô Hà Ánh Phượng sinh và lớn lên tại vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi tỉnh Phú Thọ. Ngay từ nhỏ, cô đã ấp ủ ước mơ được trở thành một cô giáo. Cô may mắn khi được bố mẹ đồng hành, hỗ trợ hết sức để hoàn thành mong ước này. Mặc dù ở miền núi khó khăn nhưng bố mẹ cô tạo điều kiện để con được học hành, không quản ngại đường xa mua sách vở cho con tham khảo, mở rộng kiến thức. Không phụ lại sự kỳ vọng và tình yêu thương vô bờ bến mà bố mẹ dành cho mình, cô bé Ánh Phượng khi ấy đã nỗ lực để đạt những thành tích cao trong học tập.
Năm 2009, Ánh Phượng đạt học bổng Hoa Trạng Nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp Tập đoàn Tân Tạo trao tặng. Năm 2011, cô là một trong 14 sinh viên châu Á đoạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.
Hà Ánh Phượng thi đỗ vào trường Đại học Hà Nội. Cô tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Ngay sau đó, cô được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, với tình yêu tha thiết dành cho nghề giáo, Ánh Phượng tiếp tục theo học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh. Năm 2016, cô hoàn thành bằng thạc sỹ và chính thức thực hiện ước mơ trở thành cô giáo của mình.
Cô được tuyển đặc cách vào trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - ngôi trường miền núi với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số. Tại đây, cô đã có những sáng tạo đột phá trong công tác giảng dạy và mang lại giá trị tích cực cho học sinh.
Cô Ánh Phượng từng chia sẻ với báo chí: "Khi tôi quyết định về quê, bạn bè ai cũng phản đối. Bạn thân của tôi bảo tôi bị điên, vì dạy tiếng Anh thì chỉ ở thành phố mới có cơ hội phát triển. Bạn bè nói mỉa mai: “Mày tụt hậu là cái chắc”. Bố mẹ tôi thì ở quê, nên ủng hộ vì tôi quay về sẽ có biên chế, được đặc cách xét tuyển mà không phải qua thi cử".
Và rồi, lần đầu tiên đi dạy ở trường làng, cô giáo Ánh Phượng cũng đã gặp nhiều khó khăn và trăn trở khi học sinh ở đây không như những học sinh mà cô đã từng dạy ở các trung tâm ngoại ngữ. Phần lớn các em chỉ đặt mục tiêu học để thi tốt nghiệp, nhiều em còn chưa biết tra từ điển.
"Tuy nhiên, tôi lại có niềm tin là học sinh dân tộc sẽ có khả năng học ngoại ngữ vì bản thân các em đã nói được 2 ngôn ngữ rồi (tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số). Vậy là tôi vẫn không bỏ cuộc", cô giáo 9X chia sẻ thêm.
Bước ngoặt đến khi năm 2018, cô tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT. Từ cuộc thi này, cô biết tới một diễn đàn toàn cầu của Microsoft - nơi các giáo viên khắp thế giới tham gia chia sẻ, hỗ trợ nhau. Với quan điểm “bất cứ học sinh nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”, cô giáo Hà Ánh Phượng đã tạo nên những lớp học xuyên biên giới cho học sinh nghèo ở cả 4 châu lục. Cụ thể, trong mỗi tiết học, cô xây dựng giáo án “xuyên biên giới”, kết nối lớp học miền núi của mình với các điểm cầu ở tận Washington, Ấn Độ,… Nhờ vậy, cô đã giúp cho học sinh miền núi có điều kiện tiếp cận, học tập và nâng cao tiếng Anh – thứ ngôn ngữ điều kiện để trở thành công dân toàn cầu.
Là một giáo viên trẻ, giàu nhiệt huyết, đam mê, cô phát triển nhiều phương pháp giảng dạy mới như: dạy học qua phim, dạy học qua âm nhạc, mô hình lớp học xuyên biên giới hay là những dự án gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngoài ra, cô tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên các diễn đàn toàn cầu, là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần.
Không chỉ dạy học tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng còn dành thời gian dạy các lớp online miễn phí, cho trẻ em nghèo tại Ấn Độ, Nam Phi,… Bên cạnh vấn đề học tập, cô Ánh Phượng còn tích cực ở rất nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau. Năm học 2019 - 2020, cô Phượng trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng hơn 90 học sinh Trường THPT Hương Cần thực hiện dự án quốc tế mang tên “Nói không với ống hút nhựa”. Buổi thuyết trình về dự án “nói không với ống hút nhựa” của cô giáo Hà Ánh Phượng và học trò đã kết nối đến học sinh đến từ hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục. Cũng chính trong buổi thuyết trình, cô đã mang đến những sản phẩm ống hút tre do chính mình làm ra. Bằng cách này, cô đã lan toả tinh thần bảo vệ môi trường của người Việt tới bạn bè quốc tế.
Với những kết quả đã đạt được, cô Hà Ánh Phượng trở thành người giáo viên đầu tiên của Việt Nam lọt top 10 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation bầu chọn. Việc cô Phượng được vinh danh không chỉ là niềm tự hào của cô mà còn của ngành giáo dục cả nước.
Sau khi đạt được những thành tích ấn tượng, đã có rất nhiều tổ chức, tập đoàn gửi lời mời cô Ánh Phượng về làm việc, những nơi hấp dẫn hơn vùng quê người mà cô đang đồng hành trong sự nghiệp giảng dậy. Tuy nhiên, bằng tình yêu tha thiết với nghề, với quê hương, cô Ánh Phượng vẫn lựa chọn nơi đây để tiếp tục sự nghiệp của mình.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, cô Phượng từng tâm sự: “Lọt vào Top 50, rồi Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do Quỹ Varkey bình chọn, tôi nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các đơn vị, tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được làm cô giáo làng, tiếp tục lan tỏa niềm yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh và thực hiện các dự án xã hội, truyền đi giá trị tích cực trong cộng đồng”.
Ngay sau khi đạt các giải thưởng, cô cùng các em học sinh thực hiện 2 dự án lớn. Dự án đầu tiên được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một dự án dài hạn về tâm lý học đường. Dự án thứ 2 liên quan đến bạo lực trên không gian mạng, nhằm nâng cao được nhận thức của các em học sinh trong việc sử dụng mạng internet, tránh bị bắt nạt.
Hiện cô Phượng cùng giáo viên cốt cán của tỉnh Phú Thọ viết sách ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, dạy học trên truyền hình, phát triển kênh Youtube dạy tiếng Anh miễn phí, hướng dẫn thầy cô trên cả nước về mô hình "lớp học không biên giới" và hỗ trợ dạy học cho trẻ em khó khăn ở nhiều nơi. Ngoài ra, cô cũng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Kênh Youtube của cô Ánh Phượng hoạt động ổn định. Ngoài việc chia sẻ hoạt động cho giáo viên về phần mềm, dạy tiếng Anh phổ thông, còn mở rộng thêm dạy tiếng Anh cho lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Bên cạnh thành tích trong chuyên môn, tháng 6/2021, cô Hà Ánh Phượng đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Cô cũng là 1 trong 25 cán bộ, giáo viên, giảng viên công tác trong lĩnh vực giáo dục là đại biểu Quốc hội khóa XV. Trên cương vị là đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Hà Ánh Phượng mang đến nghị trường Quốc hội nhiều suy nghĩ trăn trở về lĩnh vực giáo dục. Trong đó vấn đề về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, quyền lợi và lợi ích của giáo viên… được cô giáo “toàn cầu” đặc biệt quan tâm và mong muốn được thể hiện quan điểm trên diễn đàn Quốc hội.
Những gì mà cô giáo dân tộc Mường – Hà Ánh Phượng đã và đang làm được thực sự đã và đang truyền cảm hứng cho thế hệ giáo viên trẻ hôm nay, nỗ lực, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp trồng người, vì một nền giáo dục Việt Nam vươn tầm thế giới.
Varkey Foundation là quỹ từ thiện toàn cầu, được hình thành năm 2010 bởi doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey, người sáng lập GEMS Education - đơn vị điều hành lớn nhất thế giới về các trường từ mẫu giáo đến lớp 12. Quỹ hướng tới mục tiêu xây dựng địa vị của giáo viên, tôn vinh nghề nghiệp, hướng đến một nền giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em. Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 là 30.000, năm nay là 12.000). Từ top 10, một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD. Năm 2019, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi, nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50. |