Cơ quan chức năng đủ căn cứ để vào cuộc điều tra vụ vợ chồng Thủy Tiên, Công Vinh bị tố ăn chặn tiền từ thiện?

"Những đồn đoán trên MXH chỉ là những thông tin chưa xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu để sự việc kéo dài thì có thể ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, gây nguy cơ mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm, làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế" - Luật sư Đặng Văn Cường.

Những ngày qua, chuyện minh bạch từ thiện lại được khơi gợi ra khi một nữ doanh nhân có tiếng trên sóng livestream yêu cầu một số sao Việt phải công khai sao kê từ thiện, chứng minh sự minh bạch khi cứu trợ người dân khó khăn.

Thủy Tiên là một trong những nghệ sĩ bị nữ doanh nhân nhắc tên và yêu cầu cô sao kê tất cả chứng từ liên quan đến số tiền 177 tỷ đồng kêu gọi cứu trợ miền Trung.

Luật sư nói gì xung quanh lùm xùm tố ăn chặn hơn 100 tỷ đồng, vợ chồng Công Vinh-Thủy Tiên? - Ảnh 1.

Nhân cơ hội này, nhiều anti-fan tiếp tục công kích, cho rằng Thủy Tiên ăn chặn tiền từ thiện, thiếu minh bạch trong công tác giải trình. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội để người dân có cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn.

Ca sĩ Thủy Tiên đứng ra làm từ thiện như thế theo pháp luật là đúng hay sai, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường:

Hiện nay, hoạt động kêu gọi từ thiện vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo đó, Điều 5 của nghị định này quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như sau: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Luật sư nói gì xung quanh lùm xùm tố ăn chặn hơn 100 tỷ đồng, vợ chồng Công Vinh-Thủy Tiên? - Ảnh 2.

Như vậy, theo nội dung của nghị định này thì ngoài các tổ chức, đơn vị nêu tại Điều 5, "không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".

Đã đến lúc cần phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ nói chung (chứ không chỉ có Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ trên không gian mạng) để quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động phát ngôn, hoạt động từ thiện, hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ.

Với những số tiền lớn từ 1 tỷ đồng trở lên thì bắt buộc phải có bên thứ ba giám sát việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, yêu cầu người tiếp nhận tiền từ thiện phải liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn như phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ...

Đồng thời, cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các quy định và chế tài đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và cần sửa đổi bổ sung kịp thời Nghị định 64/2008/NĐ-CP về kêu gọi, vận động, tiếp nhận từ thiện để mở rộng các đối tượng được phép thực hiện hoạt động kêu gọi từ thiện, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động ngay để tránh những tiêu cực có thể phát sinh.

Lùm xùm liên quan ca sĩ Thủy Tiên đã khiến dư luận xôn xao suốt 1 thời gian dài, theo luật sư liệu đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ?

Luật sư Đặng Văn Cường:

Những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội chỉ là những thông tin chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu để sự việc kéo dài thì những vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, đang có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm, làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế.

Còn để kết luận đúng hay sai thì cần phải để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh mới có tính chính xác, có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định.

Luật sư nói gì xung quanh lùm xùm tố ăn chặn hơn 100 tỷ đồng, vợ chồng Công Vinh-Thủy Tiên? - Ảnh 3.

Theo quy định của pháp luật, nếu một trong hai bên có đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như: Vu khống, xâm phạm trái phép vào tài khoản ngân hàng hoặc xâm phạm bí mật đời tư cá nhân hoặc lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh.

Ngoài ra, trường hợp hai bên đều không có đơn tố cáo nhưng vụ việc được đưa lên báo chí, dư luận, mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu, cơ quan điều tra vẫn sẽ vào cuộc mà không cần phải có đơn thư trình báo tố giác tội phạm.

Theo đó, những thông tin về gian lận trong hoạt động từ thiện phần lớn xuất phát từ doanh nhân Phương Hằng qua các buổi livestream, ngoài ra còn có một số nhóm antifan, một số người trên Facebook cũng bày tỏ quan điểm và nghi ngờ đối với hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ.

Luật sư nói gì xung quanh lùm xùm tố ăn chặn hơn 100 tỷ đồng, vợ chồng Công Vinh-Thủy Tiên? - Ảnh 4.

Nếu doanh nhân Phương Hằng có các chứng cứ về hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện của một số nghệ sĩ, trong đó có Thủy Tiên thì bà Phương Hằng có quyền tố cáo đến cơ quan công an hoặc thông tin lên mạng xã hội.

Việc doanh nhân này công khai rõ thông tin danh tính cá nhân người vi phạm, thông tin về hành vi vi phạm lên mạng xã hội mà cơ quan điều tra tiếp cận được thông tin này thì cũng là căn cứ để cơ quan điều tra thụ lý tin báo chứ không cần phải có đơn tố cáo, tố giác tội phạm.

Nội dung này đã được quy định rất rõ trong phần xác minh tin báo tố giác tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự và thông tư liên tịch năm 2017 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Để làm rõ việc Thủy Tiên có ăn chặn tiền từ thiện như thông tin xôn xao hay không, cần xác minh những điểm nào thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường:

Đối với hoạt động từ thiện có gian lận hay không, có chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phải làm rõ nội dung kêu gọi quyên góp ủng hộ; Thời hạn quyên góp ủng hộ; Tài khoản sử dụng để tiếp nhận tiền ủng hộ; Thời điểm mở tài khoản và thời điểm đóng tài khoản; Tổng số tiền nhận được và số tiền đã chuyển khoản hoặc rút ra. Với sao kê ngân hàng thì sẽ cung cấp được thông tin số tiền chuyển vào là bao nhiêu; Thời gian nào và cụ thể từng lần chuyển khoản, qua đó sẽ biết được tổng số tiền thu về; Sao kê ngân hàng cũng sẽ xác định được tổng số tiền rút ra hoặc chuyển đi từ tài khoản đó là bao nhiêu tiền.

Luật sư nói gì xung quanh lùm xùm tố ăn chặn hơn 100 tỷ đồng, vợ chồng Công Vinh-Thủy Tiên? - Ảnh 5.

Nếu số tiền rút ra ít hơn số tiền chuyển đến hoặc có việc chuyển khoản cho bên thứ ba mà không phải là người được hưởng tiền từ thiện thì hành vi đó có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, thời điểm rút tiền từ ngân hàng đến thời điểm trao số tiền đó hoặc mua thành quà để trao cho người dân cũng là giai đoạn dễ bị chiếm dụng, khi đó rất khó để kiểm soát nếu như không có bên thứ ba giám sát sự việc. Cơ quan chức năng vào cuộc cũng sẽ làm rõ các giấy xác nhận về việc từ thiện, xác nhận về việc đã chi tiêu có bị làm giả mạo, gian dối hay không để xác định có hành vi chiếm đoạt tiền sau khi đã lấy từ ngân hàng ra hay không.

Vấn đề này cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ trong thời gian hai tháng kể từ khi thụ lý tin báo để kết luận là có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kêu gọi từ thiện hay không. Nếu từ thiện bằng cái tâm, từ tiền, tài sản của mình thì người ta ít ồn ào.

Nếu có căn cứ chứng minh việc không minh bạch, Thủy Tiên có thể phạm tội gì và bị xử lý thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường:

Trường hợp nội dung tố cáo của bà Phương Hằng là đúng, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy nữ ca sĩ này đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện của các nhà hảo tâm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174 hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Ngược lại, nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy nữ ca sĩ này không có sai phạm mà việc tố cáo là hoàn toàn không đúng sự thật, nữ doanh nhân này biết rõ sự việc không có thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, vấn đề này đúng hay sai, bên nào vi phạm pháp luật thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.

Nếu Thủy Tiên thực sự cảm thấy bị oan ức, bị làm nhục thì nên sớm đưa sự việc ra pháp luật

Nêu thêm quan điểm, luật sư Cường cho rằng, nếu Thủy Tiên thực sự cảm thấy bị oan ức, bị làm nhục, bị xúc phạm, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín và đời sống thì nữ ca sĩ nên đưa vụ việc ra pháp luật, sớm công khai tất cả các thông tin sao kê tài khoản từ thiện cũng như các khoản chi phí một cách chi tiết, có văn bản, có tính hệ thống, giải trình đầy đủ những câu hỏi thắc mắc của dư luận cho những người đã đóng góp tiền.

"Cô ấy phải đưa việc ra pháp luật, cơ quan điều tra mới có căn cứ vào cuộc xác minh làm rõ và kết luận đúng, sai. Nếu thực sự ca sĩ này hoàn toàn trong sạch thì chỉ có cách làm như vậy cứu vãn được danh dự, uy tín và xử lý những người đã vu khống cô", luật sư Cường nói.

Ông phân tích trường hợp chậm công khai thông tin sao kê, chậm giải thích các nghi ngờ của dư luận và không đưa sự việc ra pháp luật sẽ khiến nhiều người tin vào sự không minh bạch, tin vào những tố giác trên mạng rằng ca sĩ Thủy Tiên đã "ăn chặn" tiền từ thiện, từ đó gây tiền lệ xấu.

Theo Pháp luật và bạn đọc