Thủ đô đang thiếu điểm nhấn văn hoá từ tài nguyên nước
Có thể nói, trải qua thăng trầm lịch sử, nét đặc trưng của Thăng Long là không gian mặt nước của hồ và các con sông. Sông, hồ đã kết tỏa và bồi đắp nên văn hóa và cảnh quan của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Tuy nhiên, Hà Nội hiện nay có lẽ còn thiếu một công trình văn hóa, một điểm nhấn văn hóa từ chính tài nguyên sông, nước đó để làm nên sự tự hào với nền văn hiến ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.
Thủ đô có thêm những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa, mỹ thuật - kiến trúc của mảnh đất ngàn năm văn hiến thì Thủ đô Hà Nội chắc chắn sẽ là một điểm thu hút du lịch văn hóa, lịch sử mà du khách trong và ngoài nước không thể bỏ qua.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group bày tỏ mình luôn đau đáu về hình ảnh dòng sông Tô Lịch di sản hơn 2000 năm uốn lượn giữa Thủ đô nhưng là “dòng sông chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Hơn nữa, sau quãng thời gian sống, học tập và làm việc nhiều năm tại Nhật Bản, được chứng kiến, tiếp cận và trải nghiệm thực tế các Công trình hầm ngầm chống ngập, cao tốc ngầm. Đặc biệt là thấy Nhật Bản tuy là đất nước phát triển nhưng có một nền công nghiệp văn hóa rất mạnh và đặc biệt coi trọng việc gìn giữ và phát huy văn hóa cổ truyền dân tộc.
Từ đó, Đề án quy hoạch "Xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh" ra đời. Ngày 28/10 vừa qua, đề án đã được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội.
Trước đó, cuối năm 2020, Văn phòng Thành ủy cũng đã có Công văn số 1427/BC-VPTU báo cáo Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Chủ tịch Quốc hội) giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn của Thành phố nghiên cứu kỹ Đề án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE. Bên cạnh đó, đồng thời phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu - nhược điểm, tính khả thi của Đề án, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, do quy mô của Đề án rất lớn, liên quan đến rất nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau từ xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan công viên, xây dựng hạ tầng hệ thống chống ngập khổng lồ, cao tốc ngầm cho đến các nội dung liên quan đến mỹ thuật - kiến trúc, di sản, lịch sử, văn hóa, tâm linh...nên các bước về thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư, hiệp định liên quan nguồn vốn viện trợ ưu đãi giữa hai Chính phủ tốn khá nhiều thời gian.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, phía chuyên gia Nhật Bản cũng không thể nhập cảnh vào Việt Nam nên chưa thực hiện được các buổi hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn về các nội dung liên quan nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ mốc thời gian dự kiến ban đầu đưa ra.
Song, phía Đề án vẫn tiếp tục hoàn thiện các ý tưởng thiết kế, tổ chức các cuộc họp trực tuyến với phía Nhật Bản.
Dự kiến, trước Tết Nguyên đán, sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan về Đề xuất Quy hoạch chi tiết Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch cùng toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đề xuất như nguồn vốn viện trợ ưu đãi, các nội hàm chi tiết về các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh đề xuất xây dựng tại từng triều đại suốt dọc sông Tô Lịch.
Công trình hội tụ đủ yếu tố lịch sử, văn hoá, tâm linh
Theo JVE, công trình sẽ được chia không gian mặt nước theo vùng mực nước nông và mực nước sâu. Từ đó, trong tổng số 18 Thời/Thời đại/Triều đại tái hiện chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, sẽ được chia ra làm 2 vùng với mục đích sử dụng không gian mặt nước khác nhau.
Với ý tưởng để lòng sông tự nhiên, sẽ được áp dụng Công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc triệt để mùi hôi, phân hủy tầng bùn đáy, xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ, diệt các vi khuẩn có hại đã và đang tồn tại trong lòng sông Tô Lịch và duy trì môi trường trong sạch, không còn bốc mùi hôi thối đảm bảo cảnh quan Công viên.
Bên cạnh đó, có kết hợp với Dự án thu gom nước thải bằng hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch đưa về Nhà máy XLNT Yên Xá và Dự án cấp nước bổ cập cho sông mà thành phố Hà Nội đã và đang triển khai để tránh chồng chéo, lãng phí chi phí đầu tư.
Cụ thể, vùng 1 - mực nước nông, mực nước sẽ được khống chế, giữ ở khoảng 50cm đến đầu gối bằng cách xây dựng các cửa thu nước chống ngập, chắn rác để khi mực nước cao hơn thì nó tự chảy tràn vào máng thu ở cạnh bên của sông.
Dọc hai bên bờ sát mép sông sẽ có dựng bậc tam cấp để người dân, du khách trong và ngoài nước có thể ngồi gần mặt nước hơn. Trẻ em, để người dân có thể đứng trong lòng sông khu mực nước nông 50cm này mà vẫn đảm bảo an toàn.
Vùng 2 - mực nước sâu, sẽ là khu vực đảm bảo cho dịch vụ Du lịch vãn cảnh trên Thuyền rồng hoạt động. Khu vực đảm bảo thiết kế, điều tiết để mực nước đủ độ sâu cho hoạt động du lịch thăm quan tái hiện cảnh Vua quan ngày xưa vãn cảnh trên Thuyền rồng. Hơn nữa, tùy nhu cầu của du khách, có thể thuê các bộ trang phục áo bào của Vua, áo quan để chụp ảnh trên Thuyền rồng. Khu vực này sẽ được xây dựng lan can ở mép sông để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.
Độc đáo hơn cả, hàng loạt phù điêu sẽ được trưng bày dọc suốt chiều dài hai bên Công viên, trong đó sẽ bao gồm đủ các ảnh về các Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di chỉ khảo cổ, Bảo vật Quốc gia sẽ được minh họa trên phù điêu ở dọc mỗi Thời/Thời đại/Triều đại.
Từ đó, khi dạo chơi ở Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch, du khách có thể ngắm nhìn các thực thể và ghi nhớ thông tin về lịch sử, văn hoá. Quan trọng, Công viên là nguồn tư liệu phong phú phản ánh các giai đoạn lịch sử dưới các Triều đại/Thời đại, sẽ là nơi mà các trường học có thể tổ chức các buổi đi học thực tế về lịch sử các triều đại suốt chiều dài lịch sử dân tộc, và các em học sinh sẽ cảm thấy yêu môn Lich sử hơn, hiểu và nhớ hơn việc chỉ học qua sách vở, cảm giác gần gũi hơn.
Theo Người Đưa Tin