Người hỏi: Thu Quỳnh, Đà Nẵng
Trả lời:
Cảm ơn Quý độc giả đã gửi câu hỏi đến Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật. Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý độc giả, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:
[1] Về điều kiện mang thai hộ:
Pháp luật Việt Nam đã thừa nhận tính hợp pháp của việc mang thai hộ. Tuy nhiên chia hai trường hợp dựa vào mục đích là Mang thai hộ vì mục đích thương mại và Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì phải đảm bảo các điều kiện sau: (Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)
“Điều 95: Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợpvà có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợpngười phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
[2] Về xác định cha mẹ khi mang thai hộ:
Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định rõ về vấn đề này như sau:
“Điều 94. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”
Do đó, Pháp luật cũng đã thừa nhận con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con chung của vợ, chồng nhờ mang thai hộ, không phải con của người mang thai hộ. Theo đó, anh/chị chính là cha, mẹ của con được sinh ra dù thực hiện việc mang thai hộ.
[3] Về cấp giấy khai sinh trong trường hợp mang thai hộ:
Cần thực hiện việc cấp giấy chứng sinh cho con trước, sau đó mới thực hiện việc xin cấp giấy khai sinh.
Về thủ tục cấp giấy chứng sinh thì theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh và thông tư Thông tư 34/2015/TT-BYT sửa đổi, bổ sung thông tư 17/2012/TT-BYT thì thủ tục làm giấy chứng sinh cho con trong trường hợp mang thai hộ như sau:
“1. Thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng sinh
a) Bệnh viện đa khoa có khoa sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện sản – nhi;
b) Nhà hộ sinh;
c) Trạm y tế cấp xã;
d) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ.”
Về thủ tục cấp giấy chứng sinh trong trường hợp mang thai hộ được quy định tại khoản 2 Điều 1 thông tư 34/2015/TT-BYT như sau:
“Trường hợp trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì Bên vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc Bên mang thai hộ phải nộp Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và Bên mang thai hộ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trẻ sinh ra.
Trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ sẽ được cấp Giấy chứng sinh theo Mẫu quy định tại Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng sinh này là văn bản chứng minh việc mang thai hộ khi làm thủ tục đăng ký khai sinh.”
Theo đó, anh/chị cùng người mang thai hộ phải nộp cho cơ quan cấp giấy chứng sinh bản xác nhận sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ, bản thỏa thuận về việc mang thai hộ và sẽ được cấp giấy chứng sinh theo quy định.
Tư vấn bởi Hoàng Thúy Quỳnh – Công ty luật FDVN