Mặc dù làm mẹ, là người sinh con ra, nhưng có một sự thật mà nhiều bà mẹ phải công nhận ơi rằng, không phải mẹ lúc nào cũng hiểu con, biết con muốn gì và nghĩ gì. Cũng vì lẽ đó mà trong nhiều hoàn cảnh, người mẹ không khỏi bất ngờ trước những gì con làm. Tôi cũng không ngoại lệ.
Sau khi kết hôn năm 25 tuổi, tôi sinh được một cô con gái. Đến nay, đứa trẻ sắp bước vào lớp 3. Cuộc đời tôi, có lẽ điều đau lòng nhất là đã không thể cho con được một gia đình trọn vẹn. Vì chẳng may, chồng tôi đã qua đời cách đây 3 năm, bỏ lại tôi một mình nuôi dạy con gái trưởng thành.
Ngày chồng ra đi, vì con còn nhỏ, thế nên tôi vẫn chưa vội nói cho đứa trẻ hiểu về sự mất mát này. Đến khi con dần lớn lên, tôi cũng nhiều lần tìm cách giải thích cho con. Tôi không biết liệu con có hiểu và cảm nhận được không về sự ra đi của bố mình, mãi cho đến khi tình huống ngày hôm nay xảy ra, tôi mới vỡ lẽ.
Ảnh minh hoạ
Chuyện là con được cô giáo dạy văn giao bài tập hè làm ở nhà, chủ đề viết về gia đình. Mọi thứ sẽ không có gì đáng nói, nếu như sau khi đọc xong bài văn của con, tôi không khỏi bàng hoàng khi đứa trẻ viết “ngày nào con cũng ngủ với bố mẹ”, nhưng rõ ràng chồng tôi đã mất 3 năm rồi.
Đến khi tôi hỏi chuyện con, lý do vì sao con lại viết như vậy và câu trả lời của đứa trẻ khiến tim tôi như thắt lại. Hoá ra, đến tận ngày hôm nay con vẫn tin lời tôi thường nói với con từ khi bố bé mất đến nay, đó là: “dù bố không xuất hiện ở cạnh mẹ con mình nhưng con hãy nhớ rằng bố lúc nào cũng có mặt ngay bên con, mọi lúc mọi nơi, chỉ là bằng một cách đặc biệt mà con khó có thể nhìn thấy được thôi”.
Đây vẫn luôn là lời tôi động viên, an ủi con, để con cảm nhận được rằng con có một gia đình trọn vẹn, bố mẹ sẽ luôn yêu thương và bảo vệ con. Khi tôi nói những lời này, tôi thực sự không biết con có hiểu và tin không, tôi chỉ cảm nhận được rằng khi nhắc về bố, gương mặt của con có chút đượm buồn và tủi thân.
Ảnh minh hoạ
Là một người làm mẹ, tôi thực sự đau lắm, nhưng không biết phải để con đối diện và đón nhận sự thật bất hạnh này thế nào. Con càng lớn sẽ càng có sự phát triển trong nhận thức, tâm tính cách, nhạy cảm và dễ tổn thương hơn. Tuy nhiên, tôi cũng biết đã đến lúc bản thân cần thành thật với con và cả hai mẹ con nên có một cuộc trò chuyện sâu hơn để tôi có thể nói hết cho con hiểu về hoàn cảnh của bản thân. Tôi mong sẽ không quá muộn, và tôi sẽ không phải hối hận vì làm con tổn thương.
Những người mẹ kém may mắn như tôi, mọi người sẽ làm gì trong hoàn cảnh này, hãy cho tôi lời khuyên…
Tâm sự từ độc giả huongdo…@gmail.com
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ nhỏ thường trải qua 5 giai đoạn tâm lý như chối bỏ sự thật, giận dữ, mặc cả, buồn rầu và cuối cùng là chấp nhận thực tế khi cha, mẹ đột ngột qua đời. Tùy vào mỗi độ tuổi mà trẻ sẽ có khả năng nhận thức về sự mất mát ở các cấp độ khác nhau.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non chưa thể hiểu rõ bố mẹ mất là như thế nào nhưng các bé có thể cảm nhận được sự thiếu hụt, sự chia cắt. Nhiều đứa trẻ sẽ khóc, sợ hãi, thay đổi thói quen, bỏ ăn... thậm chí là thu mình, không giao tiếp với người khác. Trẻ ở lứa tuổi tiểu học có thể hiểu biết hơn nhưng trẻ sẽ không chịu chấp nhận sự thật đó mà luôn tìm cách né tránh hoặc tự lừa dối chính bản thân mình.
Tuy nhiên sự thật mãi là sự thật và không thể thay đổi được. Chính vì thế người lớn không nên e ngại chuyện nói ra sự thật cho trẻ biết khiến trẻ bị dồn nén cảm xúc khi bất ngờ biết được. Cách tốt nhất là dần dần nói cho trẻ sự thiếu hụt nếu bố mẹ qua đời và đồng hành cùng con trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc.
Cách xoa dịu con tốt nhất là lắng nghe, thừa nhận cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Hãy cho con thời gian tiếp nhận và đừng nóng lòng thúc ép con phải trở lại trạng thái bình thường. Khi nhận thức của con dần hoàn thiện, cùng với sự hỗ trợ phù hợp từ các thành viên trong gia đình thì tâm lý của đứa trẻ sẽ ổn định hơn.