Công an TP.HCM quản lý người đi đường bằng mã QR thay giấy đi đường

Công an TP.HCM có phương án kiểm soát người đi đường bằng mã QR thay cho giấy đi đường. Khi qua chốt, lực lượng chỉ cần quét mã QR.

Ngày 4/9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Công an TP sẽ kiểm soát người đi đường trên địa bàn bằng mã QR khai báo y tế "di chuyển nội địa" thay thế cho giấy đi đường như hiện nay.

Theo thượng tá Hà, khi các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, xã, phường, thị trấn rà soát những người được phép ra đường (được cấp giấy đi đường) và diện được phép ra đường mà miễn giấy đi đường (không có giấy đi đường, ví dụ như: nhân viên giao gas...) thì gửi danh sách để Công an TP cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lực lượng tại chốt, trạm quét mã QR mà người đi đường khai báo y tế qua phần mềm "di chuyển nội địa" của bộ Công an, trong hệ thống sẽ có thông tin người đi đường nằm trong diện được phép ra đường hay không (có giấy đi đường). Nếu có tên thì được qua chốt, còn chưa cập nhật thì quay đầu xe.

may-quet-13-12571507-1630743682.jpg
Công an TP.HCM triển khai thí điểm 2 camera tự động quét mã QR khai báo y tế phần mềm "di chuyển nội địa". Ảnh: VVTC News 

"Khi áp dụng, không cần phải kiểm tra giấy đi đường, hạn chế tiếp xúc nhiều với người dân, tránh lây lan dịch bệnh" - thượng tá Hà giải thích.

Phương án này cũng giúp hạn chế việc cấp giấy đi đường. Các đơn vị muốn cấp thêm người đi đường chỉ cần gửi thêm danh sách, Công an TP sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư, không cần cấp giấy đi đường như trước.

"Tuy nhiên, khi thực hiện việc cung cấp thêm danh sách người được phép di chuyển, các đơn vị phải phân tích rõ được lý do cấp thêm, Công an TP mới xem xét, nhằm đảm bảo cấp phải thật sự cần thiết, chứ đề nghị bao nhiêu mà Công an TP cấp bấy nhiêu thì trách nhiệm rất lớn, không đạt được mục tiêu giãn cách xã hội, kiểm soát dịch" - thượng tá Hà nói.

 

 

Báo Thanh Niên thông tin thêm, đại diện Công an TP.HCM cũng cảnh báo về tình trạng lừa đảo mua bán giấy đi đường, bởi lực lượng trực chốt đã được hướng dẫn nhận diện giấy đi đường, dễ dàng phát hiện giấy giả mạo, nếu người dân dùng giấy giả sẽ bị xử lý.

Trước phản ánh của báo chí về tình trạng trong một số khu dân cư, người dân không chấp hành giãn cách nghiêm như 3 - 4 ngày đầu, thượng tá Hà cho biết mới được nghe phản ánh này nhưng qua kiểm tra của các đơn vị thì số lượng phát hiện, xử lý cũng rất ít. Nhưng những ngày gần đây, có thể lưu lượng di chuyển trong khu dân cư tăng lên do đẩy mạnh hàng hóa lương thực, thực phẩm và có lực lượng đi chợ thay… nên có thể thấy thời điểm nhất định có đông người. Việc giãn cách trong khu dân cư để “ai ở đâu ở yên đó” trong từng hộ dân là yếu tố quyết định thắng lợi trong giãn cách.

Công an TP.HCM có các giải pháp như điều động, tăng cường cán bộ, chiến sĩ đến các quận, huyện để đảm bảo nhiệm vụ ở các chốt chặn. Lực lượng ở phường, xã được đưa về khu dân cư để kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình.