Như Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã phản ánh, bà Hải Yến (nhà ở đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, do nhẹ dạ cả tin, vừa qua bà Yến bị lừa 480.000 đồng tiền vệ sinh phòng dịch. Cụ thể, sáng ngày 29/9/2020 một người phụ nữ đến bấm chuông và tự xưng là nhân viên vệ sinh thu số tiền 480.000 đồng. Khi thấy số tiền thu quá lớn so với số tiền hàng tháng gia đình phải trả, bà Yến thắc mắc và được người này giải thích là thu cả tiền vệ sinh phòng dịch. Người phụ nữ này cho biết còn mình nhà bà Yến chưa đóng khoản tiền này.
Thấy vậy, không chần chừ bà Yến liền rút ra 480.000 đồng đóng cho người phụ nữ lạ mặt và nhận về một chai nước rửa tay khô được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Lạc Long có địa chỉ tại Chùa Bộc – Hà Nội.
Ngay sau đó, nhiều người dân khác tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì… cũng phản ánh tới Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) sự việc tương tự mà không nhận được thông báo nào từ cơ quan chức năng về việc đóng tiền vệ sinh phòng dịch.
Theo tìm hiểu của Pv, chai nước rửa tay khô bà Yến và nhiều người dân nhận được có tên là Golden Sun Cosmetic. Trên thân sản phẩm này ghi sản xuất tại Công ty Cổ phần Lạc Long có địa chỉ số 59 Chùa Bộc – Trung Liệt – Đống Đa – Hà Nội. PV đã tìm đến địa chỉ trên để liên hệ với Công ty cổ phẩn Lạc Long trao đổi thông tin hai chiều về những phản ánh của người dân. Tuy nhiên tại đây, người dân sống ở số nhà 59 Chùa Bộc – Hà Nội cho biết Công ty cổ phẩn Lạc Long đã không còn tọa lạc ở đó mà chuyển đi nơi khác từ rất lâu rồi.
Khi PV liên hệ theo số điện thoại trên sản phẩm để liên hệ Công ty cổ phẩn Lạc Long làm rõ vấn đề thì một người đàn ông nghe máy tự xưng tên là Sỹ. Người này cho hay, ông không phải nhân sự Công ty cổ phần Lạc Long và không biết gì về Công ty Lạc Long. Tuy nhiên, sau một hồi trao đổi thông tin về sự việc người dân bị lừa bởi lọ nước rửa tay Golden Sun Cosmetic và sẽ trình báo cơ quan chức năng, ngay lập tức, người đàn ông tên Sỹ cho PV số điện thoại của một người tên Nghĩa và giới thiệu đây là Giám đốc Công ty cổ phần Lạc Long.
Liên hệ với người đàn ông tên Nghĩa được cho là Giám đốc Công ty cổ phần Lạc Long, vị này cho hay, Công ty cổ phần Lạc Long đã chuyển đi nơi khác. Địa chỉ 59 Chùa Bộc chỉ để khai báo thuế. Tuy nhiên, khi PV hỏi hiện tại trụ sở Công ty cổ phần Lạc Long ở đâu thì người này không nói rõ.
Người được cho là đại diện Công ty cổ phần Lạc Long cũng cho biết, ông Sỹ - người có số điện thoại trên sản phẩm nước rửa tay Golden Sun Cosmetic là nhà phân phối sản phẩm này. Người này cũng thông tin, Công ty cổ phần Lạc Long sản xuất nước rửa tay Golden Sun Cosmetic theo đơn đặt hàng của ông Sỹ. Còn việc ông Sỹ phân phối sản phẩm này như thế nào thì người này không nắm được.
Câu hỏi đặt ra là, liệu ông Sỹ có liên quan gì đến việc người dân bị lừa đóng tiền vệ sinh phòng dịch 480.000 đồng và nhận về sản phẩm nước rửa tay Golden Sun Cosmetic của Công ty Cổ phần Lạc Long do chính ông Sỹ phân phối? Sản phẩm này có đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng?
Trao đổi với PV, luật sư Trần Sỹ Hoàng, Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công lý - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Quy định tại Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP nêu rõ:
Điều 12. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa
1. Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt.
2. Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.
Trong đó: Địa chỉ là kí hiệu chữ viết trên giấy hay trên các vật liệu khác dùng để chỉ nơi cư trú, nơi làm việc của một cá nhân; nơi đóng trụ sở của một cơ quan hay một tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội.
Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định yêu cầu hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
“Việc đưa thông tin số điện thoại vào nhãn hàng hóa là phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, thông tin số điện thoại phải của nhà sản xuất chứ không phải nhà phân phối. Do đó, việc đưa thông tin số điện thoại của nhà phân phối thay cho công ty lên sản phẩm là chưa đúng quy định của pháp luật”, luật sư Hoàng cho hay.
Cũng theo luật sư Hoàng, nếu Công ty Cổ phần Lạc Long thay đổi trụ sở thì sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, căn cứ Điều 40 Nghị định 78/2015/ND-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định như sau: Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế.
Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi dự định đặt trụ sở mới.
“Như vậy, để thay đổi trụ sở chính, Công ty Cổ phần Lạc Long cần phải đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính. Nếu muốn dời đi nơi khác, công ty này cần phải làm hồ sơ thông báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền như trên chứ không được tự ý dời trụ sở chính. Do vậy, nếu trong trường hợp Công ty Cổ phần Lạc Long tự ý chuyển trụ sở chính đi nơi khác là sai quy định pháp luật”, luật sư Hoàng nêu.
Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài và lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân để rao vặt, bán hàng qua mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà còn cần bị lên án mạnh mẽ về đạo đức. Căn cứ Ðiều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có hình phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc chung thân; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |