Giành quyền nuôi con khi chồng có tiền án tiền sự được không?

Chồng tôi đã từng ngồi tù vì tội dâm ô trẻ em thì khi yêu cầu ly hôn tôi có thể giành quyền nuôi con không?

 

ly-hon-cha-gianh-quyen-nuoi-con-de-hay-kho-1-1705656247.jpg
Ảnh minh họa.

Tình huống tư vấn: Chồng tôi đã từng ngồi tù vì tội dâm ô trẻ em thì khi yêu cầu ly hôn tôi có thể giành quyền nuôi con không?

Luật sư tư vấn: 

Theo quy định tại điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Nếu cảm thấy tình cảm không còn, tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn nếu người vợ và chồng thỏa thuận được các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân, con chung và tài sản chung.

Tại điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Sau khi ly hôn thì cha mẹ có nghĩa vụ phải chăm sóc con cái và được quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con cùng với quyền thăm nom, chăm sóc con cái và quyền cấp dưỡng sau khi ly hôn, nếu không thỏa thuận được thì Tòa sẽ căn cứ vào điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định… về tinh thần (có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu…) để con có cuộc sống ổn định và phát triển hơn bên không được nuôi con. Con dưới 36 tháng tuổi thì ưu tiên mẹ nuôi dưỡng, còn con lơn trên 7 tuổi phải hỏi qua ý kiến của con, xem xét nguyện vọng của bé.

Tại Điều 85 LHNGĐ 2014 quy định các trường hợp sau đây sẽ bị Tòa án hạn chế quyền thăm nom con:

– Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý;

– Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

– Phá tài sản của con;

– Có lối sống đồi trụy;

– Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Việc cha đã từng ngồi tù không thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền nuôi con trừ trường hợp phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý.

Kết luận: Trong trường hợp mong muốn giành quyền nuôi con khi ly hôn thì người vợ phải chứng minh các điều kiện sống về vật chất và tinh thần, đảm bảo cho con phát triển toàn diện và ổn định hơn khi sống với cha. Bên cạnh đó, vì cha đã từng ngồi tù vì tội dâm ô trẻ em nên có thể chứng minh vấn đề này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý của con chung, nếu có bạo lực gia đình hoặc có hành vi ngược đãi thì đó cũng là chứng cứ để Tòa giao con cho người phụ nữ nuôi dưỡng sau khi ly hôn.

Theo Luật sư Phạm Thảo – Công ty Luật FDVN