Covid-19 và "gánh nặng kép" trên vai phụ nữ

Trong thời gian Covid-19 đóng cửa trường học, phụ nữ thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm việc nhà không lương...

Phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới

Tại báo cáo chuyên đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, những khó khăn, thách thức và giải pháp” của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập.

Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp lại chủ yếu do phụ nữ làm chủ.Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng dịch bệnh Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ.

Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Sự kiện - Covid-19 và 'gánh nặng kép' trên vai phụ nữ

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của phụ nữ.

Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nam và nữ có sự khác nhau. Phụ nữ thường tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bị ảnh hưởng nhiều nhất, cụ thể là thương mại bán lẻ (64%), khách sạn và du lịch (66%), và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu (77%).

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các lĩnh vực này đã bị giảm sút hoạt động kinh tế trên diện rộng. Tỉ lệ phụ nữ cho biết họ là lao động tự làm hoặc lao động gia đình đã tăng lên và cao gấp đôi so với tỉ lệ này ở nam giới (19,6% so với 8,6% ở nam giới).

Điều đáng quan tâm là sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại, học sinh được tới trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để cố gắng bù đắp thu nhập bị mất trước đó. Tuy nhiên, trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, điều này khiến gánh nặng kép của họ lại càng trở nên nặng nề thêm.

Từ đầu tháng 2/2020, việc giãn cách xã hội đã khiến việc học tập của hơn 21 triệu trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng. Nhóm trẻ mầm non bị ngắt quãng hoàn toàn trong học tập và kết nối với nhà trường, các em phải nghỉ học ở nhà hoặc phải gửi ông/bà/người thân chăm sóc. Mỗi hộ gia đình phải có tối thiểu một người lớn giảm hoặc ngừng hẳn công việc tạo thu nhập để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà. Trong hộ gia đình, các bà mẹ phải giảm/ngừng việc để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà nhiều hơn so với các ông bố.

Việc đóng cửa trường học đã tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các nhà trường trong hệ thống giáo dục. Đặc biệt, là giáo viên mầm non với phần lớn là phụ nữ. Một lực lượng lớn giáo viên dạy hợpđồng đang phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch.

Cùng với đó, việc giãn cách xã hội cùng những áp lực về tâm lý, sức khoẻ cũng như gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hàng tháng gây áp lực cho mỗi gia đình. Tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm các nguồn lực trong cộng đồng,… đã tạo tiền đề cho các cuộc khủng hoảng gia đình. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian dịch bệnh.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi từ văn phòng sang làm việc tại nhà diễn ra nhanh chóng ở phạm vi và quy mô lớn, điều này đã dẫn đến nhiều phát sinh đối với phụ nữ hơn so với nam giới.

Việc thực hiện biện pháp giãn cách “ở nhà” để kiềm chế Covid-19 đã làm tăng thêm khối lượng công việc chăm sóc không được trả công vốn đã nặng của phụ nữ như kiểm soát việc học ở nhà của con cái, chăm sóc người cao tuổi, các thành viên bị ốm đau trong gia đình, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,...

Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình hơn 12 tiếng/tuần để làm việc nhà. Trong thời gian đóng cửa trường học, phụ nữ thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm việc nhà không lương, điều này làm ảnh hưởng đến chính công việc tạo ra thu nhập cho họ.

Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới

Theo Bộ LĐ-TB&XH, định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, đây được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.

Thời đại của hội nhập và công nghệ mang đến không ít cơ hội nâng cao quyền năng cho phụ nữ, song cũng mang lại một số thách thức mới cho bình đẳng giới. Tình trạng bắt nạt hay quấy rối trực tuyến có diễn biến phức tạp với nhiều hệ lụy tiêu cực.

Phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận và tham gia đầy đủ trong phần lớn các công việc thuộc lĩnh vực công nghệ, phản ánh sự bất bình đẳng trong các lựa chọn và nghề nghiệp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Phụ nữ làm trong các ngành nghề kỹ năng thấp, thâm dụng lao động. Mặt khác, công nghệ tự động hóa làm tăng hiệu quả sản xuất nhưng cũng giảm vị trí việc làm trong đó phần nhiều do phụ nữ đảm nhận…

Sự kiện - Covid-19 và 'gánh nặng kép' trên vai phụ nữ (Hình 2).

Định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến (Ảnh minh họa).

Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025,… các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn tới cụ thể:

Tiếp tục Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Trước mắt cần tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới.

Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác bình đẳng giới.

Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách;Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025,…;

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.

Nhân rộng các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và nơi tạm lánh, nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, những người bị ảnh hưởng tâm lý do thất nghiệp, mất việc làm, phá sản,…