CTCP Môi trường và Đô thị Thanh Hóa dùng hợp đồng trúng thầu để vay vốn ngân hàng

Không chỉ tham gia vào nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp cho ngân sách Nhà nước, CTCP Môi trường và Công trình Đô thị Thanh Hóa còn dùng hợp đồng trúng thầu làm tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng.

Gói thầu hơn 245 tỷ đồng, tiết kiệm 0,37%

Được biết, CTCP Môi trường và Công trình Đô thị Thanh Hóa (Mã chứng khoán: THU) tiền thân là đội Công nhân vệ sinh trực thuộc UBHC thị xã Thanh Hóa thành lập năm 1958, hoạt động chính trong lĩnh vực công ích. Năm 2017, công ty chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM.

Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, THU đã tham gia 38 gói thầu, trúng 27 gói với tổng giá trị 1.496 tỷ đồng, tỉ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán ở mức 99,38%, tương ứng tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0,62%.

Có thể coi THU là một nhà thầu quen tại Thanh Hóa khi doanh nghiệp tham gia 24/27 gói trên địa bàn tỉnh này, đa phần liên quan đến lĩnh vực xây lắp và dịch vụ công ích.

Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu mà THU đã trúng tại Thanh Hóa từ năm 2020 đến nay (trong cả vai trò liên danh lẫn độc lập), tổng giá trị là 716,5 tỷ đồng, tiết kiệm 5,8 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trung bình 0,78%. Trong đó, có những gói hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền tiết kiệm cho ngân sách chưa đến 1%.

tkt-1713261168.png  
Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu 716,5 tỷ đồng, tiết kiệm 5,8 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trung bình 0,78% (biểu đồ: Thảo Nguyên).

Đơn cử như tại UBND thành phố Thanh Hóa, từ năm 2021 đến nay, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng đã phê duyệt cho THU trúng 5 gói thầu là: ngày 29/12/2021, liên danh THU và Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn (HTX Tân Sơn; mã số thuế: 2801518125; địa chỉ tại phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trúng Gói thầu số 02 với giá 179,8 tỷ đồng, tiết kiệm 3,3 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 1,84%.

Đến năm 2023, vẫn là liên danh THU – HTX Tân Sơn trúng liền 3 gói thầu cung ứng dịch vụ công ích đô thị, vệ sinh môi trường tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Mức giá trúng thầu lần lượt là 218,4 tỷ đồng, 22,6 tỷ đồng và 245,8 tỷ đồng với tỉ lệ tiết kiệm đạt 0,39%, 1,22% và 0,37%.

Đáng chú ý, liên danh THU – HTX Tân Sơn là đơn vị duy nhất tham dự và trúng 4 gói thầu trên.

Sang tháng 01/2024, THU đã một mình tham gia và trúng gói thầu số 01 tại UBND thành phố Thanh Hóa với giá 7,8 tỷ đồng, tiết kiệm chỉ hơn 100 triệu đồng (tỉ lệ 1,28%).

Thực trạng này cũng xuất hiện tại gói thầu số 08 năm 2022 tại trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa có giá 12,5 tỷ đồng, tiết kiệm 0,57%; gói thầu số 03 năm 2023 tại ban QLDA ĐTXD thành phố Thanh Hóa có giá 6,9 tỷ đồng, tiết kiệm 0,71%...

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong công tác đấu thầu, tỉ lệ tiết kiệm được coi là một trong những thước đo chính xác nhất để đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu của mỗi địa phương, đơn vị. Dù không có quy định cụ thể về mức tiết kiệm bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng thực tế, tỉ lệ tiết kiệm càng cao thì càng có lợi cho ngân sách đầu tư công, hạn chế lãng phí, thất thoát.

thu-thanh-hoa-1713261079.jpg 
THU trúng nhiều gói thầu sát giá, dùng hợp đồng làm tài sản bảo đảm (ảnh: Thảo Nguyên).

Trong một diễn biến liên quan, THU đã nhiều lần dùng hợp đồng trúng thầu làm tài sản bảo đảm để vay vốn tại ngân hàng. Cụ thể, theo hợp đồng đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 28/04/2022 tại ngân hàng TMCP Bản Việt chi nhánh Thanh Hóa, THU đã dùng các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng dịch vụ công ích ngày 29/12/2021 giữa UBND thành phố Thanh Hóa và liên danh THU – HTX Tân Sơn để làm tài sản bảo đảm. Đây là hợp đồng liên quan đến gói thầu số 02 năm 2021 (đã nhắc đến bên trên) do UBND thành phố Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Giá trị khoản vay là 10 tỷ đồng.

Hay như ngày 14/07/2023, cũng tại ngân hàng TMCP Bản Việt chi nhánh Thanh Hóa, THU đã vay vốn số tiền 20 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng dịch vụ công ích được ký giữa UBND thành phố Thanh Hóa và liên danh nhà thầu THU – HTX Tân Sơn.

Nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ

Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn đã đóng góp không nhỏ vào mức doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của THU.

Cụ thể, trong giai đoạn 2020 – 2023, doanh thu thuần của THU luôn đạt trên 200 tỷ đồng. Theo đó, năm 2019, THU ghi nhận doanh thu thuần 207,3 tỷ đồng; tăng lên 224,3 tỷ đồng trong năm 2021; tiếp tục tăng lên 234,7 tỷ đồng năm 2022 và 246,2 tỷ đồng năm 2023.

Thế nhưng, lãi ròng của doanh nghiệp có vẻ chưa tương xứng với mức doanh thu mỗi năm đạt được. Trong 4 năm gần nhất, THU báo lãi ròng dao động từ 1,1 tỷ đồng đến gần 3 tỷ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-thu-1713261177.png 
Kết quả kinh doanh của THU trong giai đoạn 2020 – 2023 (biểu đồ: Thảo Nguyên).
bien-loi-nhuan-thu-1713261177.png
Chỉ số biên lợi nhuận ròng trong 4 năm gần nhất chỉ xấp xỉ 1%, thậm chí giảm mạnh trong năm 2021 (biểu đồ: Thảo Nguyên).

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của THU ở mức 172,4 tỷ đồng, phần lớn tập trung tại các khoản phải thu ngắn hạn 116,4 tỷ đồng, chiếm 67,5% tổng tài sản.

Đáng chú ý, tổng nợ của THU ở mức 137,4 tỷ đồng, cao hơn gấp 3,9 lần so với vốn chủ (hơn 35 tỷ đồng). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm từ khi doanh nghiệp chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2017. Kể từ đó đến nay, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của THU luôn dao động từ 3,7 đến 4,7.

co-cau-nguon-von-thu-1713261177.png
Cơ cấu nguồn vốn của THU từ năm 2017 đến năm 2023 (biểu đồ: Thảo Nguyên).

Một số chuyên gia tài chính cho rằng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ đòn bẩy tài chính thì 1/1 được tính là bình thường, lên đến 3/1 đã là đáng báo động. Có thể thấy, tổng nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đồng nghĩa với việc THU đang sử dụng nhiều vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh.