Cụ ông U80 chạy mô tô đi phượt Tây Tạng trong 41 ngày, tiết lộ bí quyết rèn sức khỏe chỉ bởi 2 chữ

Dù tuổi đã cao nhưng ông Trần Lê Hùng vẫn quyết định chinh phục Tây Tạng bằng mô tô, chuyến đi đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp với cụ ông này. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe trong hành trình 41 ngày đêm, ông Hùng đã phải khổ luyện suốt nhiều năm trời.

Biết khó khăn nhưng quyết tâm chinh phục để thỏa đam mê

Ở tuổi U80, ông Trần Lê Hùng (ở Hà Nội) vừa đi phượt bằng mô tô trong 41 ngày đêm, với tổng chiều dài là 13.475 km. Điểm bắt đầu là từ Thủ đô Hà Nội, điểm đến là Tây Tạng (Trung Quốc) và chiều ngược lại (trở về) ông Hùng cũng di chuyển bằng xe máy.

Ông Hùng tâm sự, đây không phải lần đầu tiên ông đi phượt bằng mô tô xuyên quốc gia, vào năm 2019, ông đã từng đi qua 39 quốc gia và xuyên qua 2 lục địa Á-Âu với quãng đường 45.000km. Dù khi đó quãng đường di chuyển dài hơn, số ngày đi nhiều hơn, nhưng đó cũng chỉ là “chuyện nhỏ” về độ khó khăn so với lần đi Tây Tạng này, nhất là khi nhiệt độ liên tục thay đổi, cung đường khó đi với muôn vàn nguy hiểm.

Ông Hùng chia sẻ về chuyến đi Tây Tạng trong 41 ngày đêm. Ảnh: Lê Phương.

“Tôi quyết định đi Tây Tạng vì đó là niềm mong ước bấy lâu nay của tôi, dù tôi biết để đi được trên cung đường đó không phải chuyện dễ dàng, nhất là với một người cao tuổi, tự lái mô tô. Dù biết mọi sẽ rất khó khăn, nhưng nếu có cơ hội tôi sẽ không bao giờ bỏ qua”, ông Hùng tâm sự.

Và cuối cùng cơ duyên đã đến, khi một ngày đầu tháng 6/2024, ông Hùng đang ngồi lau chùi chiếc xe mô tô gắn bó với những chuyến đi phượt của mình, bỗng được cuộc điện thoại của một hướng dẫn viên du lịch (người đi cùng ông qua 39 quốc gia) thông báo, sắp có đoàn đi Tây Tạng (Trung Quốc) và họ đồng ý cho ghép đoàn. “Anh ấy thông báo đoàn di chuyển bằng ô tô, nhưng có thể cho hai chú cháu đi xe mô tô ghép cùng đoàn. Nghe những thông tin đó tôi đồng ý ngay và nói tốn kém bao nhiêu tôi cũng chịu”, ông Hùng nhớ lại.

Dù biết con đường phía trước là vất vả, nhưng ông Hùng vẫn kiên trì để vượt qua.

Thế nhưng thời gian xuất phát rất gấp rút, mà giấy tờ thì phải chuẩn bị rất nhiều, nhưng ông Hùng không bỏ cuộc. Ngoài chuẩn bị xe cộ, trang phục cần thiết, ông còn phải hoàn tất thủ tục đổi hộ chiếu, khám sức khỏe để mua bảo hiểm quốc tế, xin visa vào Trung Quốc và Tây Tạng.

“Với thời gian rất ngắn, nhưng tôi vẫn gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục theo yêu cầu một cách khẩn trương. Thậm chí, chấp nhận tình huống xấu nhất có thể sẽ phải hủy chuyến đi, nhưng tôi chấp nhận hết. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười, tôi đủ điều kiện cả về thủ tục và sức khỏe để bắt đầu chuyến đi”, ông Hùng chia sẻ.

Hành trình của ông Hùng bắt đầu từ Việt Nam, sang Lào để qua cửa khẩu vào Trung Quốc. Trong hành trình di chuyển, quãng đường từ Lào tới cửa khẩu Nongsap giáp với Trung Quốc vô cùng khó khăn. Với ai là dân phượt đều “sợ” tuyến đường này. “Đây là quãng đường đi gập ghềnh, sình lầy, nhiều đoạn đường phải đứng lên để điều khiển xe mới có thể vượt qua được”, ông Hùng nhớ lại.

Cung đường đi Tây Tạng rất "khó nhằn" và nhiều nguy hiểm, có hôm đêm muộn ông Hùng mới tới nơi nghỉ chân.

Khi vào Trung Quốc và di chuyển lên Tây Tạng, ông Hùng vẫn nhớ như in thời điểm ông cùng người bạn đồng hành của mình đi qua con đèo cao nhất thế giới với độ cao 5.565 mét. “Hôm đó gần 2 giờ sáng chúng tôi mới lên tới đỉnh đèo. Tại đây nhiệt độ ở mức -3 độ C, gió thổi rất mạnh, rất nguy hiểm. Lên tới đỉnh, tôi rơi vào tình trạng mất kiểm soát cơ thể tạm thời. Biết sức mình không thể đi tiếp được nên đã lái xe vào bên lề đường và ngồi bệt xuống, dựa vào xe ngủ thiếp đi khoảng 1 tiếng mới tiếp tục di chuyển được”, ông Hùng nhớ lại thời điểm cam go nhất.

Dù gặp nhiều khó khăn trên cung đường lên Tây Tạng, nhưng với một người mê hội họa như ông Hùng thì đó lại là những ngày đầy ắp những cảm xúc. Điều đặc biệt ông được hòa mình vào cuộc sống dân dã của người bản xứ. Tất cả những thứ đó như một nguồn năng lượng lớn giúp cho ông vượt qua mọi chông gai của hành trình.

Ngày 24/7, ông Hùng kết thúc 41 ngày đêm đi phượt và về tới Hà Nội. 

Ngày 24/7/2024, sau 41 ngày đêm di chuyển, ông Hùng đã về đến Hà Nội – nơi xuất phát chuyến đi. Tại Hồ Gươm, ông đã đăng lên trang cá nhân dòng trạng thái: “Tôi gửi lời chào tới tất cả những người thân thương và yêu quý của tôi. Hành trình Tây Tạng của tôi kết thúc sau 41 ngày đêm liên tục, quãng đường mà số phận ưu ái là 13.785km”. Khi đó, nhiều người trong đó có cả người thân mới biết ông vừa trải đi phượt trên cung đường “nguy hiểm nhất thế giới”. Bởi trước khi đi ông giấu tất cả người thân, bạn bè vì ông sợ “nói trước, bước không qua”. Trong 41 ngày đêm đó, người thân ông Hùng cũng không thể liên lạc được, chỉ biết ông đi phượt với một người bạn đồng hành trước đó đi cùng qua 39 quốc gia. 

Bí quyết rèn sức khỏe rất đơn giản, ai cũng có thể làm được

Sau hai cuộc đi phượt bằng mô tô dài ngày, với quãng đường rất dài, ông Hùng thấy mình rất may mắn có được sức khỏe để hoàn thành được hành trình đó. Tuy nhiên, điều “may mắn” ấy không ngẫu nhiên mà có, đó là một hành trình tập luyện lâu dài và kiên trì của cụ ông này.

“Là người thích di chuyển, nhất là đi phượt bằng mô tô, vì thế tôi biết sức khỏe là điều quan trọng nhất. Nếu không có sức khỏe sẽ không làm được bất cứ điều gì, dù tiền có nhiều đến bao nhiêu”, ông Hùng nói.

Theo chia sẻ của cụ ông này, bí quyết rèn sức khỏe của ông rất đơn giản, chỉ gói gọn trong 2 chữ đó là “tập luyện”, đây là điều ai cũng có thể làm được để đẩy lùi bệnh tật. Theo đó, để duy trì sức khỏe dẻo dai, ông Hùng ngày nào cũng đi bơi. Ông bơi cả mùa đông, lẫn mùa hè và đặc biệt là không bao giờ bơi ở bể bơi kín, vì đó là nơi nước tĩnh không tốt bằng nơi nước được lưu thông liên tục.

Ông Hùng chia sẻ, bí quyết rèn sức khỏe của ông rất đơn giản, chỉ là kiên trì tập luyện hàng ngày. Ảnh: Lê Phương.

“Mùa nước cạn tôi ra sông Hồng bơi hàng ngày, tôi từng bơi 12km ở con sông này, bắt đầu từ cầu Thăng Long cho đến cầu Long Biên. Còn mùa nước lên, tôi về hồ Quảng Bá bơi, chứ không bơi ở bể trong nhà dù tôi đủ điều kiện mua vé”, ông Hùng cho hay.

Ngoài bơi là môn tập luyện chính, ông Hùng cũng chạy bộ, đá bóng, đá cầu để giữ gìn sức khỏe. Nhờ có sự vận động thường xuyên nên ông Hùng rất ít khi bị ốm, có chăng chỉ là cảm cúm theo mùa.

Bên cạnh việc chú ý rèn luyện sức khỏe, ông Hùng cũng rất quan tâm đến chuyện ăn uống. Nguyên tắc ăn uống của ông là không ăn quá no, không ăn khi bụng chưa đói và uống nhiều nước. Bữa ăn hàng ngày của ông rất đơn giản, chỉ là những thực phẩm thông thường, nhưng cần ăn đủ chất và đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Là dân phượt, thường xuyên phải di chuyển đường dài, ông Hùng còn ngồi thiền mỗi ngày, nhằm tập luyện sự tập trung khi lái xe. Bởi khi đi qua những cung đường như Tây Tạng, nếu không tập trung sẽ mất mạng chỉ trong tích tắc.

Ông Hùng cùng người bạn đồng hành của mình đã đạt được mục tiêu đi phượt bằng mô tô tới Tây Tạng và trở về an toàn. 

“Rèn luyện sức khỏe là chuyện cả đời, chứ không đợi có việc mới bắt đầu tập luyện. Như tôi, việc tập luyện đã diễn ra hàng chục năm nay, chứ không phải khi sắp đi Tây Tạng mới bắt đầu tập thì không thể đảm bảo sức khỏe được.

Bởi trong 1 ngày thời tiết đảo chiều tới 4 mùa, lúc lên đỉnh đèo cao chỉ -3 độ C, khi xuống chân đèo nóng tới 40 độ C, mưa gió ngập trời, nắng nóng đỉnh điểm vẫn phải chạy xe vì không có chỗ trú”, ông Hùng chia sẻ.

Cuối cùng, ông Hùng chia sẻ rằng, mọi người, nhất là những người trẻ hãy luôn sống vì những đam mê của mình, luôn nỗ lực để đạt được điều đó. Bởi khi mình làm được những điều đang ấp ủ, đó cũng chính là “liều thuốc” tinh thần rất tốt để tránh xa bệnh tật, tiếp tục xây dựng và hoàn thành những mục tiêu tiếp theo của cuộc đời.

Bơi tốt toàn diện cho sức khỏe nhưng không thần thánh hóa

Bác sĩ Đỗ Nam Khánh (Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe Cộng đồng Việt Nam) cho biết, bơi là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi, nhất là với trẻ nhỏ và những người cao tuổi thường xuyên bị đau và thoái hóa xương khớp. Bài tập này giúp toàn bộ cơ thể được vận động, hầu như không gây tác dụng phụ nào.

Tuy nhiên, bác sĩ Khánh cũng khuyến cáo mọi người chỉ nên coi bơi là môn thể thao nên tập luyện thường xuyên, chứ không nên thần thánh hóa quá mức. “Dù bơi tốt cho xương khớp, giúp giảm căng thẳng nhưng không thể chữa được các bệnh như huyết áp, tiểu đường... Vì thế, ai mắc bệnh mạn tính, nếu sức khỏe cho phép vẫn có thể đi bơi, nhưng vẫn cần quản lý tốt bệnh theo tư vấn của bác sĩ”, bác sĩ Khánh cho hay.

Theo bác sĩ Đỗ Nam Khánh, bơi là môn thể thao toàn diện cho sức khỏe, ai cũng nên tập luyện nhưng không nên thần thánh hóa quá mức.

Ngoài ra, thiền định cũng rất tốt cho mọi người, nhất là người cao tuổi. Hơn nữa, thiền định không đòi hỏi quá nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư vào các dụng cụ hỗ trợ, không đòi hỏi người tập có năng khiếu hay yêu cầu đặc biệt gì, tất cả mọi người đều có thể thực hiện.

Nhiều nhà khoa học đã chứng minh thiền định có khả năng làm nhẹ bớt đi các chứng căng thẳng thần kinh và lo âu quá mức, chữa lành được nhiều thứ bệnh phát sinh như trầm cảm...

Không chỉ có vậy, thiền định giúp mình tự biến cải một cách tích cực, nhìn thấy được nỗi khổ đau riêng tư và vượt lên trên những nhầm lẫn của chính mình. Giúp con người biết mở rộng lòng mình để đón nhận một thực tại rộng lớn hơn so với cái tôi nhỏ bé và đầy lo âu của chính mình...

LÊ PHƯƠNG.