Ngày 20/7, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San cho biết Đà Lạt chỉ có 230 ngàn dân nhưng lượng du khách đến thành phố này lên tới gần 6 triệu người/năm, mang đến cho Đà lạt nguồn thu ngân sách lớn. Du khách yêu mến Đà Lạt vì thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ với nhiệt độ trung bình chỉ từ 15-28oC…
Tuy nhiên cũng không ít ý kiến phàn nàn và bản thân chúng ta cũng thấy Đà Lạt quá chật chội, khu trung tâm bị sức ép quá lớn. Trước tình hình đó, vấn đề mở rộng không gian đô thị Đà Lạt càng trở nên cấp bách để các đô thị vệ tinh góp phần giảm tải cho khu vực trung tâm thành phố.
“Xứ sở của những ca từ đẹp ngày nào “Người lưa thưa chìm dưới sương mù” giờ đây hàng quán lộn xộn, kẹt xe nhiều nơi, còi xe inh ỏi, nói thách, “chặt chém”, giành khách trở nên phổ biến”, ông Nguyễn Vũ Hoàng (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tỉnh Lâm Đồng) nói.
Theo ông Vũ Hoàng, phải tiến hành cải tổ đồng bộ từ khâu quản lý của chính quyền thành phố (công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng, quản lý dịch vụ, kiểm tra, kiểm soát) đến chủ thể kinh doanh dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, đặc sản…).
“Màu xanh ở Đà Lạt không còn nhiều như trước. Đường xá không còn mềm mại đẹp như xưa. Người đã đông đúc, xe cộ dập dìu, kẹt xe hàng ngày. Đà Lạt nóng dần lên, sương mù cũng bớt giăng mờ khắp lối. Môi trường Đà Lạt giảm đi sự trong lành. Nhịp sống hối hả hơn, thực dụng hơn, thiếu vắng những nụ cười. Báo chí đã nói rất nhiều về một Đà Lạt rác thải, lừa lọc, chèo kéo, “chặt chém” du khách; một Đà Lạt với hạ tầng giao thông thiếu sự an toàn”, ông Lê Văn Tòa (Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng) tâm tư.
Ông Tòa cho rằng Đà Lạt không tránh khỏi vòng xoáy nghiệt ngã mang tính quy luật của sự vận động và phát triển. Tuy nhiên phải giữ cho được nét thanh lịch mà cốt lõi nhất là sự lịch thiệp, phong nhã, thân thiện.
Phong cách người Đà Lạt cũng là sản phẩm du lịch Đà lạt mà đã là sản phẩm du lịch thì nhất thiết phải được trau chuốt, làm đẹp và phải được “trưng bày” trong ứng xử, giao tiếp hàng ngày.
Theo Kim Anh/Tiền Phong