Đặc sản lạ bất ngờ được bán tràn lan trên chợ mạng với giá siêu rẻ, 30.000 đồng/con bao nhiêu cũng hết

CTV
Gần đây, trên chợ mạng xuất hiện nhiều địa chỉ rao bán con cò, con vạc, con cói và các loại chim trời đã được làm sạch, thui vàng được rao bán với giá rẻ, khoảng 30.000-60.000 đồng/con.

Người bán giới thiệu: "Mùa nào thức nấy, cứ đến mùa chim di cư là nhà em lại có các loại chim trời phục vụ các bác. Quê em miền biển Hải Hậu (Nam Định) vào thời điểm này thì cò và vạc đi rộ lắm, thịt cò vạc ngọt tự nhiên, cái lườn chắc nịch nên được rất nhiều thịt. Thịt cò vạc chế biến đơn giản, chỉ cần khử tanh bằng rượu trắng hoặc giấm sau đó có thể chiên, nướng, xào sả ớt, luộc ăn nóng, đầu cánh có thể nấu măng chua".

Liên hệ với chị Duyên - người bán cò vạc trên chợ mạng, chị Duyên cho biết năm nào cứ đến mùa này chị lại rao cò, vạc và bán rất đắt hàng, cò có giá 60.000 đồng/đôi (250-300g), vạc đồng 110k/con thịt chắc nịch hơn cò, khách đặt giờ nào cũng có sẵn. Nếu đổ mối sỉ sẽ có giá hấp dẫn khi lấy từ 30 con trở lên với giá chỉ 20.000 đồng/con cò, 95.000 đồng/con vạc và cam kết ngày nào cũng có hàng.

Cò vạc được nhiều địa chỉ rao bán trên chợ mạng

"Đây là hàng đánh bắt trong tự nhiên nên thịt chắc và thơm ngon, lại không hề có hóa chất hay chất bảo quản nên khách ở thành phố rất ưa chuộng, có hôm hàng về hơn trăm con cò, vạc đều bán hết, những người đặt muộn còn phải chờ sang ngày hôm sau. Tôi chọn những con nhiều thịt, chất lượng để bán cho khách, những người ở xa thì cấp đông rồi gửi xe đi các tỉnh thành vẫn đảm bảo thơn ngon", chị Duyên nói thêm.

Cũng là người rao bán các loại chim trời trên chợ mạng, anh Hoàng Anh (ở Hà Nam) nói: "Hà Nam nổi tiếng với đặc sản chim cò. Giờ đang bắt đầu vào mùa nên vừa béo vừa ngon. Cò khi làm sạch lông nặng từ 200-250g, mỗi con vạc làm sạch xong cân còn khoảng 400-500g, tính ra còn rẻ hơn chim bồ câu mà chất lượng thì thuộc hàng đặc sản. Chị em có thể chế biến được rất nhiều món như nấu cháo (đặc biệt nấu bột cho trẻ em), lẩu, xào, chiên, nấu canh cải, xào khế… Ngoài ra, cò vạc khi nấu không hao thịt, không bị tanh, Cả năm mới có một mùa cò, vạc, tội gì không ăn”.

Người bán giới thiệu cò vạc đang vào mùa nên vừa béo vừa chắc thịt

Theo anh Hoàng Anh, cò, vạc, cói được người dân săn, bắt săn, bắt ở các vùng bãi ngang ven biển hoặc ở các cánh đồng rộng mênh mông, sau đó tiểu thương nhập về làm sạch, thui rơm vàng ruộm, thơm nức rồi mang ra bán ở chợ quê hoặc bán trên chợ mạng. Các loại chim này đều được quảng cáo là hàng “sạch”, có trong tự nhiên nên chắc thịt, khách muốn mua số lượng nhiều cũng được, chỉ cần điện thoại sớm để còn đặt hàng trước.

Gia đình anh Hoàng Anh có 3 người chuyên đi đặt bẫy cói, vạc, cò… trên đồng nên thường xuyên có hàng, các nhà hàng, quán nhậu cũng đặt hàng chỗ anh. Vì nhà đánh bắt được sau đó mang bán, giá gốc nên rẻ hơn so với nhiều chỗ khác qua tay thương lái. "Mỗi ngày tôi bán được từ 70 - 100 con, con nhỏ con to có cả, giá từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng. Cò, cói thì từ độ tháng 8 đến đầu tháng 9 âm mới dễ tìm mua, dễ đánh bắt, thịt dày và béo".

Trên chợ mạng, dưới mỗi bài đăng bài đều có nhiều người vào bình luận, đặt hàng. Vì lạ lẫm và được quảng cáo là hàng đánh bắt trong tự nhiên, sạch và chắc thịt nên thịt cò, vạc, cói rất đắt hàng.

Tuy nhiên, việc đánh bắt bừa bãi các loài chim hoang dã sẽ đến việc mất cân bằng hệ sinh thái, dẫn đến sâu bệnh phá hại mùa màng. Ở Hà Tĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trương Quốc Long cho hay, thời gian qua, các ngành chức năng tại Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán chim tự nhiên vẫn còn tồn tại do hiện nay, các loài chim như cò, cói… thuộc nhóm động vật hoang dã thông thường nên chưa có chế tài xử lý (xử phạt hành chính, xử lý hình sự) để răn đe.

Khi phát hiện vi phạm cũng chỉ thực hiện tịch thu, tiêu huỷ dụng cụ hành nghề, thả chim về tự nhiên; tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không mua bán, tiêu thụ với người dân và các nhà hàng, quán ăn. Trong khi đó, người dân vẫn xem việc săn bắt chim trời như một kế sinh nhai, tìm đủ cách để săn được hàng rồi đem ra chợ bán.

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký chỉ thị số 4/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Các loài chim hoang dã rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái

Chỉ thị nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.

Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).

Rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm săn, bắn, bẫy các loài chim hoang dã, di cư.