Nỗi ân hận muộn màng
Như Người Đưa Tin đã thông tin, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can Lê Thành Công (43 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Công bị cáo buộc dùng vũ lực đánh con gái L.H.A. (6 tuổi, lớp 1A16, Trường tiểu học Xuân Đỉnh) trong quá trình dạy con học tại nhà vào trưa 16/9, dẫn đến cháu bé tử vong.
Theo báo cáo của UBND quận Bắc Từ Liêm, trong giờ học trực tuyến tối 16/9, bé A. vắng mặt, giáo viên liên hệ gia đình thì được báo tin cháu đã tử vong.
Qua xác minh, vào 11h ngày 16/9, ông Công có đánh con gái. Đến 16h, cháu A. được mẹ cho ăn cháo và uống thuốc. Sau đó, A. bị nôn nhiều, được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên phía bệnh viện xác nhận cháu đã tử vong trước khi đưa vào viện và trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo công an.
Tại cơ quan điều tra, Công khai nhận trong lúc kèm con học, do cháu A. chậm tiếp thu nên Công giận dữ, dùng đũa, thanh tre và cán chổi đánh vào chân, tay, mông và lưng con.
Theo chia sẻ của luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư Hà Nội), người bào chữa cho Lê Thành Công, thường ngày Công rất yêu thương cháu A.. Khi lực lượng chức năng đưa Công về nhà để làm việc, ông này liên tục gào khóc, nói muốn chết và nhiều lần đập đầu vào cửa kính…
Lời khai và chứng cứ buộc tội
Trao đổi với Người Đưa Tin về vụ án này, luật sư Nguyễn Quang Anh (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng không thể chỉ dựa vào lời thú nhận có đánh con khi dạy con học của Công và việc sau đó cháu A. tử vong để nhận định rằng chính hành vi của Công là nguyên nhân gây ra cái chết của cháu A.. Điều 87, Điều 98 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án” và “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội”.
Để xác định được sự thật của vụ án và việc có hay không hành vi phạm tội của người bị tình nghi thì ngay từ khi tiếp nhận thông tin về sự việc, cơ quan điều tra cần tiến hành thu thập thông tin, tài liệu liên quan và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường (Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự).
Trong đó khám nghiệm tử thi nhằm xác định rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Đặc biệt, do cháu A. chết bất thường, còn nhiều nghi vấn nên việc khám nghiệm tử thi là vô cùng cần thiết.
Thông qua việc khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra có thể xác định các tình tiết quan trọng như: Nạn nhân chết vào thời điểm nào, thời điểm đó có yếu tố ngoại lực nào tác động hay không; nạn nhân chết do đâu? Do bị đánh, bị tổn thương bởi ngoại lực hay chết do yếu tố khác như bị trúng độc hay bị tái phát các bệnh lý nền như đau tim…; hung khí hay công cụ gây ra cái chết; xác định các dấu vết khác trên cơ thể nạn nhân để xác định lực tác động của hung khí, đồng thời để đối chiếu đánh giá xem hành vi đánh con của nghi phạm có phải là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết cho cháu bé hay không; xác định có hay không tồn tại tổn thương do hung khí hay hành vi khác gây ra…
Những yếu tố này sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của cháu A. và đối chiếu với lời khai của Lê Thành Công, qua đó xác định hành vi của Công có thật sự đúng với lời khai của ông ta hay không?
Theo luật sư Quang Anh, việc khám nghiệm tử thi phải kết hợp với công tác khám nghiệm hiện trường bởi việc khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết của cháu bé, nhưng chưa khẳng định được tính xác thực trong lời khai của Công.
Bởi vậy cần khám nghiệm hiện trường, nơi xảy ra vụ việc để xác định các dấu vết của tội phạm, đồng thời thu giữ những đồ vật đồ vật được xác định như vật chứng, chứng cứ có chứa dấu vết của phạm tội có liên quan trong vụ án.
Những vật chứng được thu thập không chỉ dựa trên kết quả khám nghiệm tử thi mà còn dựa trên lời khai của nghi phạm. Công thừa nhận trong lúc dạy học đã lấy đũa, thanh tre, cái chổi để đánh vào người, lưng, chân tay của cháu A.… Việc khám nghiệm có thể xác định có hay không sự hiện diện của những vật này, trên cơ sở đó đối chiếu xem vết thương được gây ra bởi các vật đó có phù hợp với thương tích trên thi thể cháu bé hay không?
Ngoài ra, qua việc khám nghiệm hiện trường, cũng có thể tìm thấy những chứng cứ khác như lời khai của nhân chứng, hay có các thiết bị điện tử như camera quay lại được hành vi phạm tội của hung thủ…
Trong vụ án này, cháu bé bị đánh vào buổi trưa nhưng đến chiều tối, bé mới có dấu hiệu bất thường dẫn đến cái chết. Với một khoảng thời gian dài như vậy, có thể có nhiều vấn đề, tình tiết xảy ra liên quan đến cái chết của cháu. Chính vì vậy, việc kiểm tra hiện trường là cần thiết để khoanh vùng đối tượng, xác minh sự thật của vụ án. Mỗi một tình tiết, một sự việc đều có thể thay đổi bản chất của vụ án.
Nếu quá trình điều tra xác minh, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vẫn chưa đủ căn cứ để chắc chắn rằng hành vi của người bố là nguyên nhân gián tiếp/trực tiếp gây ra cái chết cho cháu A. mà không có chứng cứ khác bổ sung và củng cố, hoặc có nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của nghi phạm thì cơ quan điều tra có thể tiến hành thực nghiệm điều tra.
Qua việc tái dựng lại hiện trường, có thể đánh giá được tư thế, hay cách thức phạm tội cũng như trạng thái tâm lý của nghi phạm có phù hợp với báo cáo khám nghiệm thương tích, khám nghiệm tử thi được đối chiếu hay không (ví dụ người bố đánh con như thế nào, lực tác động được tái hiện ra sao…).
Tất cả những biện pháp nghiệp vụ nêu trên là cần thiết để xác minh được các tình tiết trong vụ án cũng như lời khai của nghi phạm, để vén dần “bức màn của sự thật”. Trong trường hợp nguyên nhân cái chết của cháu bé có liên quan trực tiếp/gián tiếp đến hành vi của người bố thì tùy vào tính chất, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội mà người bố có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người hoặc tội Giết người.
Cụ thể, trường hợp Công có đánh con nhưng hung khí không phải là đũa, là thanh tre, cây chổi (những vật nhẹ, tính sát thương ít) và đánh vào những vị trí ít trọng yếu như lời Công đã khai, mà thay vào đó là hung khí khác, và đánh tập trung chủ yếu vào những nơi chí mạng như đầu, gáy... với lực mạnh, dẫn đến là nguyên nhân trực tiếp làm cháu bé tử vong thì Công có thể bị truy cứu về tội Giết người chứ không phải là tội Cố ý gây thương tích, bởi lúc này hành vi của Công là cố ý và nhận thức rõ việc đánh con như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con.
Trường hợp Công có đánh con nhưng đánh vào vị trí không trọng yếu bằng những hung khí không có tính sát thương cao, không may gián tiếp làm đứa bé chết thì Công sẽ bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích.
Dạy con thế nào mới đúng?
Nhìn nhận về vụ án này, luật sư Lê Bá Thân (đoàn Luật sư Hà Nội) lại cho rằng cần xem xét đến các yếu tố có liên quan như mối quan hệ giữa Công và cháu A. cũng như các yếu tố khác.
Đây được coi là một nội dung quan trọng cần xem xét khi điều tra xác định sự thật vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lê Thành Công. Theo thông tin về vụ án thì nạn nhân là con của Công. Câu chuyện xảy ra trong lúc dạy con học mà con chậm hiểu nên Công đánh con. Ở đây, cần phải xác định mối liên hệ giữa nạn nhân và nghi phạm có phải là quan hệ cha con ruột hay không và nghi phạm có thường xuyên bạo hành cháu bé hay không? Làm rõ điều này để xác định động cơ, cũng như mục đích thực hiện hành vi phạm tội của nghi phạm.
Ông bà ta có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy nên, dù là dạy con theo phương pháp ôn hòa hay “Yêu cho roi cho vọt” thì cũng không có người cha, người mẹ nào lại nhẫn tâm muốn tước đoạt đi mạng sống của đứa con do mình sinh ra.
Giả sử việc Công đánh con là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho cháu bé thì trường hợp này có thể xem xét đến việc Công có lỗi cố ý trong việc thực hiện hành vi đánh con nhưng lại là lỗi vô ý đối với hậu quả xảy ra.
Trường hợp này cần được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ nếu truy cứu trách nhiệm của Công, bởi “bản án lương tâm” sau khi gây ra cái chết của con đối với ông ta đã là sự trừng phạt lớn nhất rồi.
Trong trường hợp giữa nghi phạm và nạn nhân không phải là quan hệ ruột thịt, hoặc nghi phạm thường xuyên bạo hành cháu bé và lần này không may làm nạn nhân chết thì cần xử lý nghiêm đối với nghi phạm để làm gương.
Bên cạnh việc xem xét về hành vi của người bố, luật sư Thân cho rằng cơ quan chức năng còn phải xem xét hoàn cảnh thực hiện hành vi “đánh con” cũng như xác định tình trạng nhận thức hay bệnh lý của người bố trong trường hợp này.
Việc xác định hoàn cảnh và trạng thái tinh thần của người bố khi thực hiện hành vi đánh con có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người bố trong trường hợp hành vi của người bố là nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra cái chết cho người con.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào, dù việc đánh con của Lê Thành Công có phải là nguyên nhân làm cháu A. chết hay không thì vụ án cũng là lời cảnh tỉnh đối với những bậc cha mẹ, nhắc nhở họ hãy lựa chọn phương pháp dạy dỗ con phù hợp. Dù dùng phương pháp nào, cha mẹ cũng phải tránh gây ám ảnh cho đứa trẻ đồng thời bảo vệ thân thể, sức khỏe của trẻ. Đừng để một phút lỡ tay mà khiến bản thân phải ân hận cả đời…
Đánh giá về vụ án này, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh dù là để dạy dỗ con thì hành vi dùng vũ lực của Lê Thành Công cũng là không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em.
"Đây là sự việc rất đáng tiếc từ cách dạy con đến kỹ năng ứng phó với triệu chứng bất thường trẻ nhỏ. Công đã thừa nhận việc đánh con là sai và rất hối hận", luật sư Thơm thông tin thêm.
Ánh Dương - Người Đưa Tin