ĐBQH Nguyễn Anh Trí: "Các đơn vị chậm trễ tiếp nhận vắc-xin phải báo cáo rõ ràng, cụ thể"

“Đề nghị các cơ sở y tế được phân công tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân phải thực hiện thật nghiêm túc. Và nếu không, thì những người làm không nghiêm túc đó đáng bị kỷ luật", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói.

Công khai tiến độ tổ chức tiêm vắc-xin là điều cần thiết

Mới đây, bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các địa phương, yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiếp nhận vắc-xin, tổ chức triển khai tiêm chủng và báo cáo tiến độ.

Theo đó, đến ngày 10/8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ sẽ công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, điều phối vắc-xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc-xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.

image-1628356562.png
Vắc-xin đang được xem là “lá chắn” hữu hiệu trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19.

Nhiều ý kiến dư luận cho rằng: “Vì sự chậm trễ của tập thể mà chuyển vắc-xin cho đơn vị khác là không nên, sai ở đâu thì xử lý ở đó, đồng thời, có thể điều chuyển vắc-xin về địa phương đó để kịp thời hỗ trợ, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của dân”; GS.TS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH đoàn TP.Hà Nội, nguyên Viện trưởng viện Huyết học & Truyền máu Trung ương) cũng đồng tình với quan điểm đó và có thêm nhìn nhận về vấn đề này.

“Đề nghị các cơ sở y tế được phân công tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân phải thực hiện thật nghiêm túc. Và nếu không, thì những người làm không nghiêm túc đó đáng bị kỷ luật. Các cán bộ y tế được phân công phải hoàn thành nhiệm vụ, cố gắng, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để tổ chức tiêm vắc-xin cho tốt, bộ Y tế cũng phải thường xuyên công bố những đơn vị không thực hiện tốt, không thực hiện nghiêm chỉnh việc tiêm vắc-xin cho nhân dân, cho cộng đồng, cho cán bộ nhân viên”, GS.TS Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

20200226-giao-su-nguyen-anh-tri-1628356562.jpg
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, cơ sở y tế được phân công tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân phải thực hiện thật nghiêm túc.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Văn Xuyền (ĐBQH khóa XIV) cũng chia sẻ: “Tôi ủng hộ bộ Y tế trong việc công khai toàn bộ thông tin liên quan đến vấn đề này. Bản thân các đơn vị chậm trễ trong việc tiếp nhận vắc-xin, phải báo cáo một cách rõ ràng cụ thể, tại sao tỉnh này không làm được, y tế thiếu là thiếu ở đâu, tại sao các địa phương, đơn vị khác làm được mà mình lại không làm được?

Bên cạnh đó, nếu chuyển vắc-xin từ tỉnh này qua một tỉnh khác thì cũng phải nói rõ lý do tại sao. Do tỉnh này không được trang bị đủ vật tư, trang thiết bị hay không đủ nhân lực, dẫn tới việc không đủ thời gian để bảo quản và sử dụng vắc-xin, không tổ chức tiêm phòng cho người dân kịp thời... Toàn bộ thông tin phải được công khai cho toàn dân được biết”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng chỉ ra, hiện nay vẫn có “xu hướng ngầm”, khi một bộ phận người dân còn e dè trước việc tiêm vắc-xin, mặc dù trong “cuộc chiến chống dịch như chống giặc”, vắc-xin chính là “tấm áo giáp tốt nhất”. GS.TS Nguyễn Anh Trí một lần nữa kêu gọi người dân tích cực tiêm vắc-xin: “Xin đồng bào hãy tiêm vắc-xin, từ đó giúp cộng đồng chúng ta ít người bị nhiễm hơn, nếu nhiễm thì ít ca nặng hơn, nếu không may mà nặng thì tỉ lệ tử vong thấp hơn...”.

Quyền lợi của nhân dân là trên hết

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Việc triển khai tiêm chủng vắc-xin trong thời gian vừa qua thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng ở một số nơi còn có những trục trặc về cách tổ chức như thế nào, ai đi tiêm, tiêm ra sao... Có những địa phương chuyển biến nhanh, nhưng cũng có những địa phương chuyển biến chậm. Muốn “đánh trận” tốt thì phải có tổ chức đồng bộ, khoa học.

Tuy nhiên, cũng cần thấy được thực tế khó khăn từ địa phương, có những địa phương xa xôi, điều kiện chưa đáp ứng... Chúng ta phải nhìn nhận khách quan. Bởi vì, chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn dân phải được tiêm vắc-xin".

vac-xin-covid-19-1628356829.jpg
Bộ Y tế cho biết, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng điều phối vắc-xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc-xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo. Hình ảnh minh họa.

Cũng theo ông Thịnh, văn bản của bộ Y tế là một cách để các địa phương “chạy” nhanh hơn trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử lần này. Cũng cần làm rõ, những địa phương nào đã đủ điều kiện để triển khai tiêm chủng, mà không tích cực triển khai thì lãnh đạo địa phương đó sẽ bị kỷ luật.

Tức là, bộ Y tế phải rà soát lại khâu triển khai tiêm chủng ở các địa phương, nơi nào chưa có đủ điều kiện chuẩn thì phải tìm mọi cách để đảm bảo điều kiện, nếu đủ điều kiện mà không thực hiện được thì xử lý. "Bộ phải cử các đoàn thanh tra để nắm bắt thông tin, nếu địa phương đó đủ điều kiện hoặc gần đủ điều kiện mà không tích cực chuẩn bị cho tốt, chính quyền địa phương không chịu triển khai thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Vi phạm nghiêm trọng thì phải bị cách chức hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi vì, khi có “nguồn lực trong tay” mà chậm trễ, không thi hành công vụ, đó là những cán bộ không vì dân, mà không làm vì dân thì phải chịu kỷ luật, ", ông Thịnh nhấn mạnh.

pgsts-nguyen-duy-thinh-1628357216.jpg
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đơn vị làm chậm trễ thì phải bị xử lý.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền cũng nhấn mạnh: “Trong lúc Chính phủ đang điều tiết vắc-xin mà một số địa phương chậm trễ, thì phải truy rõ trách nhiệm, lỗi do ai, ở bộ phận nào? Nếu do việc quản lý điều hành không tốt dẫn tới việc chậm trễ, thì cả ngành y tế đến lãnh đạo địa phương cũng đều phải chịu trách nhiệm”.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Cao Đạt (công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) cho biết: “Quan điểm của tôi là không nên vì sự chậm trễ tiếp nhận và tiêm vắc-xin của đơn vị này, mà điều chuyển vắc-xin cho đơn vị khác. Cách làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể việc chậm tiến độ tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng mà không thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình thì sẽ bị xử lý bằng các hình thức xử lý kỷ luật tại cơ quan đơn vị đó”.

Mặc dù theo ý kiến của luật sư thì chưa có văn bản pháp luật cụ thể xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, để đảm bảo công khai, minh bạch trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, thiết nghĩ, Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm rà soát, nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn một cách cụ thể.   

Được biết, sau khi công văn khẩn của bộ Y tế “nhắc” các đơn vị tiếp nhận vắc-xin để đảm bảo quyền lợi cho người dân, chiều ngày 7/8, bà Dương Thị Hồng (Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho PV biết: “Đến thời điểm này, các đơn vị đều đã nhận hết vắc-xin. Các địa phương đều đã rất cố gắng”.
Thông tin từ bộ Y tế, Việt Nam đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 356.544 người trong ngày 7/8, qua đó nâng tổng số liều được tiêm từ đầu tháng 3 tới nay lên 8.896.615. Trong đó, 8.008.156 người đã hoàn thành tiêm mũi 1. Số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 đến nay là 888.459.
Tuệ Linh